Trọng sinh về thập niên 70: Một đời hạnh phúc - Chương 9
Cập nhật lúc: 2025-05-11 13:44:07
Lượt xem: 252
Mời Quý độc giả CLICK vào liên kết hoặc ảnh bên dưới
mở ứng dụng Shopee để tiếp tục đọc toàn bộ chương truyện!
https://s.shopee.vn/8Uw8rOeVOM
MonkeyD và đội ngũ Editor xin chân thành cảm ơn!
22.
Trong góc có vài chậu rửa bút, nghiên mực và một chiếc hộp gỗ nhỏ, phủ đầy bụi, không biết đã bị bỏ xó bao lâu.
Mấy chiếc chậu rửa bút thì sắp hỏng hết rồi, cái thì mẻ miệng, cái thì thủng đáy. Ninh Ngọc liếc sơ qua rồi dồn sự chú ý vào mấy chiếc nghiên mực.
Ba chiếc nghiên đều bẩn thỉu, một cái còn bị sứt một góc.
Ninh Ngọc quan sát kỹ, phát hiện trong số đó có một cái còn nguyên vẹn, cảm giác khi sờ vào khác với hai cái còn lại. Cô lau sạch lớp bụi, thấy bề mặt nghiên trơn bóng, liền quyết định mua.
Đang định đứng dậy rời đi thì ánh mắt cô vô tình liếc qua chiếc hộp gỗ nhỏ.
Chiếc hộp bị trầy xước nhiều chỗ trên nắp, gỗ chỉ là loại gỗ long não bình thường. Ninh Ngọc mở ra xem thì thấy bên trong trống rỗng, nhưng không hiểu sao cô vẫn muốn mua nó.
Cô đoán món đồ này chắc không có giá trị gì, nên tiện tay cầm luôn.
Ông già trông trạm thu mua thấy cô chọn cả buổi mà chỉ lấy vài món vặt vãnh chẳng đáng giá gì, cũng lười nói nhiều, báo giá luôn một lượt.
Ninh Ngọc để lại năm hào, nhét hết vào túi đựng quần áo lúc nãy rồi rời đi.
Khi đến con hẻm cạnh nhà máy dệt, Mã Tú Phương cùng Vương Huệ Quyên đã đợi sẵn.
“Xin lỗi, tôi đến muộn rồi.” Ninh Ngọc dừng xe, áy náy nói.
Mã Tú Phương lắc đầu:
“Không sao đâu, bọn tôi cũng vừa mới tới. Lúc nãy đã thử đồ rồi, rất vừa. Đây là vải lỗi nhà máy phát, chị xem dùng được không nhé.”
Ninh Ngọc nhìn đống vải hai người cầm, hơi kinh ngạc:
“Sao lại nhiều thế?”
“Tôi sợ hai đứa bọn tôi mang không đủ, nên hỏi thêm mấy người cùng tổ. Cứ chọn thoải mái, không chọn được cũng không sao.”
“Vậy thì để lên yên sau xe tôi đi, cầm tay mỏi lắm.”
Sau khi giúp họ đặt vải lên xe, Ninh Ngọc cũng không khách sáo, lựa ra những tấm vải sáng màu, tươi tắn, rồi chọn thêm vài mảnh vải tối màu nhưng ít lỗi.
“Xong rồi, tôi lấy mấy tấm này nhé, các chị tính giá đi.”
Mã Tú Phương tròn mắt kinh ngạc:
“Sao chị lấy nhiều vậy?”
Ninh Ngọc nghĩ bụng: mấy người này chắc chắn sẽ còn quay lại mua, nên quyết định nói thẳng:
“Tôi thấy hai chị thích đồ tôi làm, nên muốn làm thêm vài bộ, biết đâu người khác cũng thích.”
Hai người lập tức hiểu ý cô, mà với họ thì chuyện này chỉ có lợi.
“Tôi ủng hộ chị! Đồ chị làm đẹp lắm. Thật ra tôi định hỏi chị làm thêm cho tôi rồi. Cả đồng nghiệp tôi nữa, thấy tôi mang về là ai cũng khen đẹp. Bộ còn lại chị nói lúc sáng ấy, còn không? Có người muốn mua đấy. Tính mấy người đó tôi biết rõ, đảm bảo không lộ chuyện ra ngoài đâu.”
Ninh Ngọc không ngờ Mã Tú Phương lại nhanh chóng giúp mình quảng cáo như vậy.
Tiếc là bộ đồ đó Ninh Ngọc đã tặng cho Trân Châu rồi.
Mã Tú Phương nghe xong tiếc nuối thở dài.
Ninh Ngọc thấy vậy bèn nói:
“Nếu đồng nghiệp chị không gấp thì để lần sau nhé. Chị mô tả sơ vóc dáng cho tôi, tôi làm xong sẽ mang qua. Mấy chị cho tôi nhiều vải như vậy, tôi cũng sẽ làm thêm vài mẫu mới.”
Hai người vui mừng gật đầu, mô tả vóc dáng đồng nghiệp rồi báo giá tiền vải.
23.
Ninh Ngọc vét sạch tiền trong người, không còn gì ăn, đành nhịn đói về nhà.
Vừa đạp xe đến đầu thôn, chuẩn bị rẽ vào con ngõ nhỏ thì bất ngờ bị Tống Tri Huy chặn lại.
Ninh Ngọc đảo mắt nhìn quanh, tuy không thấy ai nhưng vẫn không dám lơ là, dừng xe lại giữ khoảng cách với hắn.
“Tống đồng chí, có chuyện gì sao?” Cô hỏi thẳng.
Tống Tri Huy dường như không nhận ra sự xa cách của cô, bước lên vài bước rồi hỏi:
“Em vừa đi thị trấn về à? Có đi viện không, sức khỏe hồi phục rồi chứ?”
Nhìn vẻ mặt lo lắng giả tạo của hắn, Ninh Ngọc chỉ cảm thấy muốn nôn bữa sáng ra, lạnh lùng nói:
“Tôi khỏe rồi, cảm ơn đồng chí đã quan tâm. Không có chuyện gì thì tôi đi trước.”
Thấy cô định lên xe rời đi, Tống Tri Huy vội túm lấy yên sau.
Cảm thấy có gì đó cản lại, Ninh Ngọc quay đầu nhìn, lập tức nổi giận:
“Anh làm gì đấy?!”
Tống Tri Huy cuống quýt buông tay, giải thích:
“Xin lỗi, tôi không cố ý đâu, chỉ là muốn nói chuyện với em một chút.”
Ninh Ngọc nghe hắn nói nửa thật nửa giả, mập mờ, cảm thấy cực kỳ buồn nôn, chẳng buồn vòng vo nữa:
“Tống đồng chí, anh là người có học, lẽ nào không biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói sao? Một trí thức với một phụ nữ đã có chồng mà nói những lời này, không thấy xấu hổ à? Cẩn thận tôi kiện anh tội quấy rối đấy!”
Tống Tri Huy thấy Ninh Ngọc phớt lờ tình cảm của mình, hoàn toàn bó tay, chỉ biết đứng nhìn cô đạp xe đi xa.
Hắn thực sự thích Ninh Ngọc, ngay từ cái nhìn đầu tiên đã bị cô thu hút. Đặc biệt là gương mặt kia, còn đẹp hơn tất cả các cô gái thành phố mà hắn từng gặp.
Nhưng Tống Tri Huy không muốn cưới gái quê, hắn vẫn luôn mong có ngày quay lại thành phố. Nếu cưới Ninh Ngọc, cuộc đời hắn coi như chôn vùi nơi đồng ruộng.
Thế mà khi còn chưa quyết định xong, Ninh Ngọc lại đi lấy chồng.
Lúc ấy hắn đã sắp từ bỏ, nhưng lại bị Tôn Lệ Lệ châm ngòi ngọn lửa hy vọng bùng cháy trở lại. Càng nghĩ càng thấy không cam lòng.
Một cô gái xinh đẹp như hoa thế kia, sao có thể để cho một tên nông dân thô kệch, dù là lính hưởng? Hắn thấy như đóa hoa lài cắm bãi ph.ân trâu.
Đặc biệt khi nghe Tôn Lệ Lệ nói rằng Ninh Ngọc bị ép cưới, Tống Tri Huy càng bất bình.
Thế là khi Tôn Lệ Lệ khuyên hắn đưa Ninh Ngọc bỏ trốn, hắn lập tức động lòng.
Dù sao ở đây cũng chỉ toàn bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chẳng bằng ra ngoài tìm kiếm cơ hội.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra như hắn mong. Không chỉ không giành được Ninh Ngọc, mà danh tiếng của hắn còn bị bôi nhọ.
Tống Tri Huy uất ức đến cực điểm.
Về đến nhà, trong nhà yên ắng, bố mẹ chồng đã ăn xong đi làm, bàn ăn sạch bóng.
Ninh Ngọc vào bếp, thấy trong nồi không còn chút đồ ăn nào, đành nấu vội bát mì lót dạ.
Ăn xong, cô vào phòng tiếp tục may đồ.
Làm xong một chiếc váy, đang định bắt đầu cái tiếp theo thì ngoài sân vang lên tiếng nói chuyện.
“Lệ Lệ, cậu tốt với tớ quá, vải này đẹp thật đấy!”
“Không có gì đâu, cũng là do may mắn thôi. Lúc tớ vào hợp tác xã, vừa hay còn một miếng vải hoa cuối cùng, còn lại toàn màu xanh hay đen thôi. Nên miếng này chắc là trời định cho cậu rồi.”
Ninh Ngọc khẽ lắc đầu, xem ra Tôn Lệ Lệ lại nhanh chóng lấy lòng được Tần Nguyệt rồi.
Hai người ngoài sân vẫn đang nói chuyện:
“Cậu chủ động tặng vải cho tớ, còn Ninh Ngọc đến hỏi cũng không cho. Mẹ tớ còn bắt tớ gọi cô ta là chị dâu, tớ không thèm đâu! Tớ tình nguyện gọi cậu là chị dâu hơn.”
Tôn Lệ Lệ ngượng ngùng, hạ giọng nói:
“Đừng nói thế, để người khác nghe thấy không hay đâu. Hơn nữa, anh Húc Đông cũng chẳng thích tớ.”
Tần Nguyệt hừ một tiếng:
“Anh tớ rõ ràng từng đối xử tốt với cậu, nếu không phải Ninh Ngọc giở trò gì đó khiến anh ấy cưới cô ta, thì giờ cậu đã là chị dâu tớ rồi!”
Hai người vừa nói vừa vào nhà, Tần Nguyệt cũng không quan tâm Ninh Ngọc có nhà hay không, kéo Tôn Lệ Lệ vào phòng mình.
Ninh Ngọc chẳng bận tâm, tiếp tục may đồ.
Chẳng bao lâu sau, cửa phòng cô bất ngờ bị mở tung.
Ninh Ngọc ngẩng đầu nhìn, đúng lúc chạm phải ánh mắt của Tần Nguyệt.
24.
“Cô, cô sao lại ở nhà?!” Tần Nguyệt không ngờ trong phòng lại có người, bị dọa giật nảy mình.
Ninh Ngọc nhíu mày nói:
“Tôi ở nhà thì có gì lạ? Hơn nữa, nếu cô không biết tôi có ở đây, sao lại vào phòng tôi?”
Tần Nguyệt như bị dẫm trúng đuôi, la lên the thé:
“Ý cô là gì? Đây là nhà tôi, tôi muốn vào phòng nào thì vào!”
Ninh Ngọc bĩu môi:
“Đợi cha mẹ về, tôi sẽ hỏi thử họ xem có chuyện em chồng muốn vào phòng anh chị dâu lúc nào cũng được không.”
Tần Nguyệt bị nói cho cứng họng, tức đến mức dậm chân.
Tôn Lệ Lệ theo sau bước lên hoà giải:
“Tiểu Ngọc, đừng hiểu lầm Nguyệt Nguyệt, cô ấy không có ý gì đâu, chỉ muốn mượn máy khâu một chút thôi, hai người đừng vì chuyện nhỏ này mà cãi nhau.”
Ninh Ngọc liếc cô ta một cái, lạnh nhạt nói:
“Dù tôi có ở nhà hay không, muốn dùng máy khâu của tôi cũng nên hỏi qua một tiếng chứ?”
“Máy khâu đó rõ ràng là do anh tôi mua, sao lại thành của cô được!” Tần Nguyệt không phục.
“Là quà cưới mà anh cô tặng tôi, không phải của tôi thì là của cô chắc?”
“Cô…!” Tần Nguyệt bị chặn họng, chỉ tay vào mặt Ninh Ngọc không nói ra lời.
Tôn Lệ Lệ thất vọng nhìn Ninh Ngọc, lên tiếng trách móc:
“Tiểu Ngọc, sao cậu thay đổi vậy, giờ nói năng chua chát thế?”
Ninh Ngọc khoanh tay trước ngực:
“Tôi đâu phải đối với ai cũng vậy, với người có ác ý với tôi thì cần gì khách sáo?”
Nói rồi còn ẩn ýliếc Tôn Lệ Lệ một cái.
Tôn Lệ Lệ bị ánh mắt đó làm chột dạ, lí nhí nói:
“Nguyệt Nguyệt không có ác ý gì, dù sao cô ấy cũng là em chồng của cậu mà.”
“Ồ, ra cô biết đấy. Tôi còn tưởng cô mới là chị dâu của cô ấy cơ.”
Lời châm chọc nhẹ nhàng của Ninh Ngọc khiến Tôn Lệ Lệ giật mình, như thể Ninh Ngọc thật sự đã biết điều gì. Nếu Ninh Ngọc đã nắm rõ tâm tư của cô, thì tin đồn về cô và Tống Tri Huy rất có thể là do Ninh Ngọc tung ra.
Nghĩ đến đây, Tôn Lệ Lệ càng rối bời, không biết Ninh Ngọc rốt cuộc đã nắm được bao nhiêu. Tệ nhất là mọi chuyện cô làm đều bị lộ, cô cần mau chóng nghĩ cách ứng phó.
Vì vậy, Tôn Lệ Lệ không màng chuyện may vá nữa, viện cớ rời khỏi nhà họ Tần.
Tôn Lệ Lệ vừa đi, Ninh Ngọc cũng lười đôi co với Tần Nguyệt, đóng sầm cửa lại rồi tiếp tục may vá, bỏ mặc Tần Nguyệt đứng tức tối ngoài cửa.
Buổi tối vẫn là Ninh Ngọc nấu cơm, nhưng lần này không có thịt từ thị trấn mang về, cô đành ra vườn hái ít rau, băm nhỏ nấu cháo.
Vợ chồng ông Tần đi làm về cũng không nói gì, nhà nông ăn uống đơn giản là chuyện thường. Chỉ có Tần Nguyệt là lén lườm một cái.
Giữa bữa ăn, bà Triệu hàng xóm mang theo mấy củ khoai lang sang.
Tần Nguyệt giật mình, đột nhiên có linh cảm chẳng lành.
“Đúng lúc quá, mấy củ khoai này các bác ăn khi còn nóng nhé.” Bà Triệu vừa nói vừa đặt lên bàn.
Bà Tần thắc mắc:
“Sao tự dưng lại mang khoai sang cho chúng tôi?”
Bà Triệu cười tươi trả lời:
“Tôi vừa đi làm về thì nghe thằng Tiểu Hổ nhà tôi bảo buổi trưa Nguyệt Nguyệt cho nó mấy củ khoai. Hai nhà là hàng xóm, nhưng cũng không thể ăn không đồ nhà các bác được, hôm trước Tiểu Ngọc mượn xe đạp nhà tôi còn mua kẹo cho Tiểu Hổ nữa mà.”
Nghe vậy, bà Tần liếc nhìn con gái, thấy cô cúi gằm mặt, liền hiểu ra, cười với bà Triệu rồi cảm ơn.
Bà Triệu còn phải về ăn cơm nên không ở lại lâu.
Bà vừa đi khỏi, nét mặt bà Tần lập tức tối sầm.
“Tần Nguyệt, con quá đáng rồi đó.”
Tần Nguyệt hiếm khi thấy mẹ nghiêm khắc như vậy, bắt đầu thấy sợ. Nhưng nhìn sang thấy Ninh Ngọc vẫn thản nhiên ăn cơm thì lại tức.
“Ai bảo chị ta về muộn chứ? Biết đâu đã ăn ở trấn rồi, chẳng qua không muốn ăn cơm nhà nên mới lết về muộn!”
“Tần Nguyệt, im miệng cho ta!” Đến ông Tần cũng phải lên tiếng mắng.
Tần Nguyệt lúc này cảm thấy cực kỳ ấm ức, ném bát cơm đang ăn dở rồi chạy ra ngoài.
Bà Tần chỉ nhích ghế một chút, cuối cùng vẫn không đuổi theo, quay sang áy náy với Ninh Ngọc:
“Tiểu Ngọc, chuyện này là lỗi của Nguyệt Nguyệt, con bé được nuông chiều quen rồi, con đừng…”
Bà định nói “đừng chấp nhặt”, nhưng nghĩ đến những gì con gái mình đã làm, thật sự không thể mở miệng, đành đổi giọng:
“Con trưa nay có đói không?”
Ninh Ngọc đặt đũa xuống, lắc đầu:
“Không ạ, con có nấu mì ăn rồi. Con cũng hiểu tính Nguyệt Nguyệt, không để bụng đâu.”
Câu trả lời khiến ông bà Tần không nói được gì thêm.
25.
Sau bữa tối, Ninh Ngọc kéo mẹ chồng vào phòng.
Bà Tần tưởng con dâu muốn phàn nàn chuyện Tần Nguyệt, không ngờ Ninh Ngọc lại lấy thước dây ra đo số đo ba vòng cho bà.
“Tiểu Ngọc, con làm gì vậy?”
“Mẹ ơi, hôm nay con mua được mảnh vải ở hợp tác xã, định may cho mẹ một bộ đồ.”
Ninh Ngọc đo xong, lấy miếng vải đỏ sẫm ra cho bà xem.
Bà Tần cười tít mắt, nhưng miệng vẫn nói:
“Ôi dào, con làm gì phải tốn tiền với mẹ, mẹ có đồ mặc rồi.”
Ninh Ngọc nghiêm túc:
“Quần áo sao lại thừa được? Đây là tấm lòng của con. Cha cũng có phần, mẹ nói giúp con số đo của cha đi, con may cho cả hai người luôn.”
Nghe vậy, bà Tần không khách sáo nữa, trong lòng thấy rất ấm áp.
Nhưng khi liếc sang đống vải, bà không khỏi giật mình:
“Tiểu Ngọc, sao con có nhiều vải thế này?”
“Mẹ, hôm trước con nói giúp bạn may đồ ấy, hôm nay con mang đến cho bạn, tình cờ gặp hai chị làm ở nhà máy dệt. Họ rất thích đồ con may nên mua hai bộ. Họ còn có vải lỗi mà nhà máy phát, con mới hỏi mua ít về.”
Nghe xong bà Tần mới hiểu, xem ra con dâu làm ăn cũng khá, chắc định tiếp tục buôn bán rồi.
Kiếm được tiền thì tốt, nhưng bà vẫn hơi lo:
“Làm thế không nguy hiểm à? Nhỡ bị ai tố cáo thì sao?”
Ninh Ngọc trấn an:
“Con đều giao dịch kín đáo, khách hàng sẽ không tiết lộ, lộ ra thì họ cũng chịu thiệt. Hơn nữa ở trấn vẫn có chợ đen mà, ai cũng ngầm hiểu cả. Mẹ đừng lo, chỉ là nhớ giữ kín giúp con, nhất là đừng để Nguyệt Nguyệt biết.”
Bà Tần tuy giận con gái, nhưng vẫn bênh vài câu:
“Tính nó hơi bốc đồng thật, nhưng mấy chuyện như này nó có chừng mực, không đời nào đi tố cáo chị dâu.”
“Con tin là vậy, nhưng lỡ ai đó dụ dỗ khiến cô ấy lỡ lời thì vẫn phiền, tốt nhất là đừng để cô ấy biết gì hết.”
Bà Tần gật đầu hiểu ý, không nói thêm nữa.
Sau đó, bà kể với ông Tần chuyện Ninh Ngọc định may đồ cho hai ông bà.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn - https://monkeyd.net.vn/trong-sinh-ve-thap-nien-70-mot-doi-hanh-phuc/chuong-9.html.]
Ông Tần gật đầu hài lòng. Tuy con dâu từng lạnh nhạt suốt hai tháng, nhưng giờ đã nghĩ thông rồi, cũng biết hiếu thuận. Còn chuyện không hợp với Tần Nguyệt thì... không thể trách cô được.
Hai ông bà nói chuyện một lát, thấy Tần Nguyệt vẫn chưa về, đang định ra ngoài tìm thì vừa bước tới cửa, thấy cô ta về, mặt mày vui vẻ.
Hai người hơi thắc mắc, nhưng thấy con gái về an toàn thì không hỏi thêm.
Mấy ngày sau, ông bà Tần vẫn đi làm như thường, còn Ninh Ngọc thì ở nhà cặm cụi may đồ. Cô làm ngày làm đêm, đến khi hết chỉ mới chịu nghỉ.
Lúc ấy là buổi chiều, trời nắng to, Ninh Ngọc không muốn đi lên trấn giữa trời nóng, liền quyết định về nhà mẹ đẻ một chuyến.
Cô vừa mở cổng thì thấy Tần Nguyệt đang tươi cười đứng trước cửa, định đẩy cửa vào. Nhưng khi thấy Ninh Ngọc, sắc mặt cô ta lập tức sụ xuống.
Ninh Ngọc chỉ liếc cô ta một cái rồi quay đi.
Không biết có phải ảo giác không, nhưng hình như Ninh Ngọc vừa thấy một vạt áo trắng vừa khuất cuối đường.
Ninh Ngọc không nghĩ nhiều, đội nón rơm lên, chọn những con đường mát mẻ đi về nhà mẹ đẻ.
26.
Cha mẹ của Ninh Ngọc đều đang làm việc ngoài đồng, em trai Ninh Khởi thì đi học, nửa tháng mới về một lần, nên hiện tại trong nhà không có ai.
Ninh Ngọc đẩy cổng sân nhà cha mẹ, bước vào trong, rồi thành thạo tìm chìa khóa cửa ở chỗ cũ.
Sau khi vào nhà, cô không vội tìm cuộn chỉ trắng mà trước tiên dọn dẹp lại nhà cửa một lượt, sau đó vào phòng Ninh Khởi lấy ga giường và vỏ gối mang đi giặt.
Còn hai ngày nữa Ninh Khởi sẽ về nhà, nên chăn màn gì đó cũng cần phải được giặt giũ phơi khô.
Sau khi phơi xong, Ninh Ngọc còn nấu cơm. Làm xong tất cả những việc đó, cô mới lấy một cuộn chỉ trắng từ chỗ để kim chỉ, rồi ra đồng tìm mẹ để chào một tiếng, sau đó mới quay về nhà họ Tần nấu cơm.
Khi thấy Ninh Ngọc đi xa rồi, dì Quế Căn đang làm ruộng gần đó cất tiếng hỏi lớn:
“Vợ Hiếu Khôn này, con gái chị đến làm gì vậy? Hình như đây là lần đầu tôi thấy nó ra đồng đấy.”
Mẹ Ninh Ngọc không để ý đến lời châm chọc, chỉ cười đáp:
“Không có gì đâu, nó vừa giúp tôi làm ít việc xong, còn nấu cơm sẵn rồi, qua đây chào tôi một tiếng.”
Bà Điền, khá thân với mẹ Ninh Ngọc, cười khen:
“Con gái chị đúng là hiếu thảo, lấy chồng rồi mà vẫn nhớ tới cha mẹ.”
Mẹ Ninh Ngọc không trả lời, nhưng nụ cười trên khóe môi đã thể hiện rõ tâm trạng bà đang rất tốt.
Trước đây khi gả con gái về nhà họ Tần, trừ ngày cưới ra, suốt hai tháng Ninh Ngọc không hề quay về một lần. Mấy hôm trước con gái lại bị cha tát một cái, mẹ Ninh rất lo con gái sẽ ghi hận trong lòng.
Nhưng bây giờ thấy con gái chủ động về nhà, lại còn giúp đỡ nhiều việc như vậy, chứng tỏ con bé đã gỡ bỏ khúc mắc, nghĩ thông suốt rồi.
Con rể là bộ đội, so với làm nông thì có tiền đồ hơn nhiều. Chờ con rể phục viên trở về, hai vợ chồng trẻ sống yên ổn qua ngày là bà mãn nguyện rồi.
Mẹ Ninh cũng không mơ con rể làm quan to, chỉ cần sống ổn định là được.
Tuy nhiên, bà chưa vui được bao lâu thì dì Quế Căn lại lên tiếng phá vỡ không khí:
“Đã làm dâu nhà người ta rồi mà còn về giúp việc cho nhà mẹ đẻ, không sợ nhà chồng tức ch.ết à?”
Mẹ Ninh Ngọc mím môi không nói, cúi đầu tiếp tục cầm cuốc làm việc.
Nhưng bà Điền thì không dễ chịu như vậy, lập tức quát lại:
“Nhà cô không có con gái chắc? Con gái lấy chồng lâu lâu về nhà mẹ đẻ một lần thì sao? Quế Căn, tôi nhớ kỹ đấy, sau này hai thằng Trụ, Trụ Nhị nhà cô có muốn cưới vợ, tôi sẽ nói rõ chuyện này với nhà gái!”
Dì Quế Căn rõ ràng bị nắm thóp, chỉ dám lẩm bẩm vài câu rồi không dám tiếp tục châm chọc nữa.
Con trai lớn của bà ta đã đến tuổi lấy vợ, nhưng mãi vẫn chưa tìm được người phù hợp. Nếu để bà Điền, mỏ hỗn của làng, nói vài câu nữa, thì chuyện cưới xin lại càng khó hơn.
Thấy đối phương chịu thua, bà Điền liền ghé sát mẹ Ninh Ngọc, nói nhỏ:
“Chị đó, tính tình mềm quá. Chị nhìn xem, mắng lại vài câu là người ta im miệng ngay.”
Mẹ Ninh Ngọc thở dài:
“Thôi, tôi quen rồi, để chị ta nói thêm vài câu cũng chẳng sao.”
Bà Điền giận dữ trách:
“Sao lại không sao? Chị ta nói một câu, người khác nói thêm một câu, rồi cả làng đều biết. Mấy chuyện trước của Tiểu Ngọc nhà chị chẳng phải cũng bị đồn ra như vậy đó sao?”
Nghe xong, mẹ Ninh Ngọc như bị gõ mạnh một cái vào đầu, đứng sững ra một lúc rồi nói:
“Chị nói đúng lắm... Vậy lần sau… tôi mắng lại nhé?”
Bà Điền gật đầu chắc nịch:
“Mắng lại!”
27.
Mấy ngày gần đây, mẹ Tần cứ mãi nghĩ mãi không hiểu vì sao con gái mình lại không ưa Ninh Ngọc đến vậy. Dù là vì Tôn Lệ Lệ thì cũng không đến mức thù ghét sâu đậm như thế.
Con trai và Ninh Ngọc đã kết hôn hơn hai tháng rồi, Tôn Lệ Lệ có thích con trai bà thì cũng vô dụng thôi.
Bà nói chuyện với con gái cũng không thông, khuyên cũng không nghe, đang lúc phiền lòng thì một bức thư từ quân đội gửi về đã giải tỏa nỗi lo ấy.
Con trai Tần Húc Đông được thăng chức rồi!
Trong thư, Tần Húc Đông ngoài việc nói về chuyện thăng chức còn nói dự định thời gian tới sẽ về nhà một chuyến, khi đó sẽ đón Ninh Ngọc cùng lên đơn vị. Anh cũng đang bắt đầu làm thủ tục xin cho vợ theo quân. Tuy nhiên, vì sợ đơn xin không được duyệt, khiến Ninh Ngọc mừng hụt, nên Tần Húc Đông dặn ba mẹ tạm thời đừng nói với ai, chờ khi anh về rồi hẵng hay.
Mẹ Tần đọc xong thư thì cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Nếu con dâu theo quân, có người chăm sóc con trai, vợ chồng son cũng có thể bồi dưỡng thêm tình cảm. Biết đâu còn sớm có cháu cho bà bế. Ở nhà thì cũng tránh được cảnh con gái, con dâu nhìn nhau là khó chịu.
Trong phong bì thư, ngoài lá thư còn có bốn tờ “Đại đoàn kết” 40 đồng, Tần Húc Đông còn dặn mẹ mua thêm chút thịt để bồi bổ sức khỏe cho cả nhà.
Mẹ Tần tất nhiên hiểu, con trai đang lo vợ mình ăn uống không đầy đủ, dù trước giờ viết thư về nó chưa bao giờ chi tiết như vậy.
Trước đây, tiền con gửi về, mẹ Tần nhận hết không vấn đề gì. Nhưng giờ con đã có gia đình, bà thấy nhận hết cũng không phải, liền rút ra hai tờ, mang sang đưa cho Ninh Ngọc.
Mẹ Tần gõ cửa, thấy Ninh Ngọc mở ra thì không bước vào, mà đứng ngoài trao tiền:
“Tiểu Ngọc, Húc Đông gửi thư về nói nó mới được thăng chức, còn gửi 40 đồng về nhà. Hai chục này con cầm lấy, còn lại mẹ giữ để chi tiêu trong nhà. Trước khi cưới, Húc Đông cũng đã bàn với cha mẹ, sau này lương của nó sẽ để lại một phần cho ba mẹ dưỡng già, còn lại để hai đứa con giữ.”
Ninh Ngọc nhận tiền, bình thản chấp nhận. Dù sao cô đã ăn ở nhà họ Tần hai tháng, ngoài lần trước mua ít thịt, cô chẳng đóng góp gì. Được giữ một nửa lương của Húc Đông, Ninh Ngọc đã rất mãn nguyện rồi.
Nhưng nhìn thấy tiền, Ninh Ngọc lại nhớ đến chuyện bức điện tín, cảm thấy thời cơ bây giờ là rất thích hợp.
“À mẹ, trong thư Húc Đông có nói gì khác nữa không ạ?”
Mẹ Tần tưởng Ninh Ngọc hỏi chuyện theo quân, dù con trai dặn đừng nói, nhưng con dâu đã hỏi, tiết lộ một chút chắc không sao.
Đang định mở miệng thì nghe Ninh Ngọc nói tiếp:
“Hôm con bệnh, đi viện mà không có tiền, nên nhờ Lệ Lệ gửi điện tín cho anh ấy, bảo chuyển tiền về gấp. Hai ngày nay không thấy hồi âm, con tưởng anh ấy bận quá nên không nhận được cơ. Hóa ra là anh gửi thư, nên mới chậm vậy. Nhưng cũng nên dặn anh ấy, có việc gấp thì nên chuyển tiền luôn, thư từ lâu lắm mới đến.”
Mẹ Tần ngạc nhiên:
“Trong thư Húc Đông không nhắc gì đến điện tín cả mà? Chẳng lẽ nó quên nói?”
Ninh Ngọc tất nhiên biết Tần Húc Đông không nhắc, vì anh ấy căn bản chưa từng nhận được điện tín, nhưng cô vẫn giả vờ nghi ngờ:
“Có thể anh ấy quên mất, chắc bận quá. Không nhắc cũng bình thường ạ.”
Trong lòng mẹ Tần vẫn thấy kỳ lạ, con trai bà coi trọng Ninh Ngọc như vậy, sao lại không nhắc đến chuyện cô từng đổ bệnh? Nhưng người không ở đây, cũng không thể hỏi, đành tạm thời chấp nhận cách giải thích này.
28.
Chiều hôm đó, Ninh Ngọc vừa may xong bộ đồ cuối cùng từ mảnh vải còn lại, dọn dẹp lại, kiểm tra một lượt thì ngoài hai bộ đồ dành cho cha mẹ chồng và cha mẹ ruột, cô còn có tám chiếc váy liền, năm chiếc áo và bốn chân váy.
Khi đã quen tay, Ninh Ngọc may nhanh hơn nhiều, lại tiết kiệm vải, nên số lượng thành phẩm còn vượt cả dự tính ban đầu.
Quần áo của cha mẹ chồng cô đã đưa tận tay. Hai người mặc thử thì thấy rất vừa, chất liệu không khác đồ thường ngày, nhưng kiểu dáng thì đẹp hơn hẳn.
Hai ông bà mặc thử xong thì cởi ra ngay, cẩn thận cất vào tủ, định đợi lúc nông nhàn mới đem ra mặc.
Ninh Ngọc xếp gọn đồ định mang lên thị trấn ngày mai vào túi, còn lại hai bộ dành cho cha mẹ ruột.
Vừa định ra khỏi nhà thì có tiếng gõ cửa, kèm theo một giọng quen tai:
“Chị! Chị ơi, chị có nhà không? Em về rồi này!”
Tuy giọng có hơi khác nhưng Ninh Ngọc biết ngay đó là em trai Ninh Khải.
Kiếp trước, vì chị mang tiếng xấu, em trai cô mãi không lấy được vợ. Sau này đánh nhau với người nói xấu chị mình, bị đánh què chân, cuối cùng không thi đại học được.
Nhớ lại đến tận lúc Ninh Ngọc qua đời, em trai vẫn sống cô đơn một mình, mắt Ninh Ngọc không khỏi đỏ hoe.
Cô chạy ra mở cổng, thấy người trước mặt sáng sủa, tràn đầy sức sống, khác hẳn với hình ảnh u ám trong ký ức kiếp trước. Nước mắt lập tức rơi xuống.
Ninh Khải vui vẻ đến tìm chị, mở cửa lại thấy chị mình nước mắt lưng tròng, mặt cậu liền tối sầm:
“Chị, ai bắt nạt chị đấy? Em sẽ đánh nó trả thù cho chị!”
Ninh Ngọc vội lau nước mắt, lắc đầu nói:
“Không có gì đâu, chỉ là lâu rồi không gặp em, chị nhớ em quá.”
Ninh Khải không ngờ lại nghe được câu đó, mày đang nhíu chặt cũng giãn ra ngay, gãi đầu ngượng ngùng:
“Hehe, em cũng nhớ chị, vừa về tới nhà là chạy qua tìm liền mà.”
Ninh Ngọc lấy lại bình tĩnh, bỗng nhận ra điều gì đó, hỏi:
“Giọng em sao thế? Vỡ giọng rồi à?”
Ninh Khải như mèo bị dẫm đuôi, hét to:
“Chị à!!”
Ninh Ngọc cười khẽ, không tiếp tục trêu nữa. Nhìn em trai kỹ một chút rồi cảm thán:
“Cao lên nhiều rồi.”
Nghe đến đó, Ninh Khải hăng hẳn:
“Dạo này em lớn vọt luôn! Đêm nào cũng bị chuột rút! Chị, em cảm giác mình sắp cao hơn anh rể rồi ấy!”
Ninh Ngọc ước chừng em trai giờ tầm 1m75, chắc còn cao thêm nữa. Nhưng cao hơn Tần Húc Đông thì… khó nói.
Thân hình rắn rỏi, đôi chân dài vững chãi của người đàn ông kia bất chợt hiện lên trong đầu cô. Dù đã qua hơn mười năm, nhưng đêm đó… vẫn in hằn trong ký ức, vừa đau, vừa thẹn. Đến giờ, cô vẫn nhớ như in.
Dáng vóc như vậy, chắc cũng phải 1m83 trở lên…
Ninh Ngọc lắc đầu thật mạnh, vội vàng đuổi hình ảnh khiến người đỏ mặt tim đập ấy ra khỏi đầu.
“À đúng rồi chị, em mang bánh bao nhân thịt về cho chị này! Em giữ trong túi suốt đường đi, chắc còn ấm đấy, chị ăn ngay đi!”
Ninh Khải vừa về tới nhà không thấy ai, chưa kịp tháo cặp đã chạy qua tìm chị.
Ninh Ngọc nhìn em lôi bánh bao ra từ cặp, dúi vào tay mình, ánh mắt chờ mong, trong lòng cô dâng lên một dòng ấm áp không sao tả xiết.
Cô cắn một miếng, nhai vài cái rồi nuốt xuống, mỉm cười nói:
“Ngon lắm!”
Ninh Khải cười tươi lộ cả hàm răng trắng.
“Chị chờ chút, em vào lấy ít đồ rồi cùng em về nhà.” Ninh Ngọc nói xong liền vào phòng lấy quần áo, rồi cùng em trai quay về nhà cha mẹ.
29.
Ninh Ngọc tự cảm thấy bản thân đã thiếu sót với Ninh Khải quá nhiều, lại lâu năm không gặp, có cả bụng lời muốn nói với em trai.
Ninh Khải từ nhỏ đã thích như cái đuôi nhỏ bám theo chị, lớn lên rồi lại thích làm người bảo vệ, đặc biệt khi đối mặt với những nam sinh có ý đồ không tốt với chị gái.
Vì vậy, hai chị em vừa đi vừa trò chuyện, về đến nhà lại đun nước rồi tiếp tục tâm sự.
Mãi đến khi mặt trời sắp lặn, Ninh Ngọc mới giật mình nhận ra đã muộn.
“Thôi, thôi, chị phải về nấu cơm rồi. Mai em đi lúc nào? Để chị tiễn em ra trấn nhé?”
Ninh Khải dù rất vui khi nghe chị nói vậy, nhưng vẫn từ chối:
“Không cần đâu chị, em ăn trưa xong sẽ đi, em tự đạp xe ra thị trấn là được rồi, chị cứ làm việc của mình đi.”
Chiếc xe đạp hiện tại của Ninh Khải là chiếc Ninh Ngọc được bố mẹ mua cho khi học cấp ba. Hai chị em học cùng trường, năm nay Ninh Ngọc tốt nghiệp, Ninh Khải mới vào lớp mười, nên xe đạp đó vừa hay để em trai dùng lại.
Ninh Ngọc xua tay cười:
“Không sao, mai chị cũng có việc lên thị trấn, đi muộn chút cũng được. Em ăn xong thì gọi chị.”
Nghe vậy, Ninh Khải vui vẻ đồng ý.
Khi Ninh Ngọc quay về nhà họ Tần, vừa hay chạm mặt Tần Nguyệt cũng vừa mới đi đâu đó về. Thấy cô ta cười tươi như hoa, Ninh Ngọc nhìn cô ta thêm mấy lần.
Tần Nguyệt phát hiện ánh mắt đó, liền trừng Ninh Ngọc một cái:
“Nhìn cái gì mà nhìn!”
Ninh Ngọc đang tâm trạng tốt nên không chấp, chỉ hỏi có vẻ suy tư:
“Cô vừa đi đâu về vậy?”
Tần Nguyệt gắt gỏng:
“Chị lại về nhà mẹ đẻ chứ gì! Tôi còn chẳng nói gì chị, chị hỏi tôi làm gì!”
“Tôi chỉ hỏi một câu mà làm gì như ăn phải ớt vậy, chột dạ à?”
“Tôi có gì phải chột dạ! Lo chuyện của mình đi!” nói xong, Tần Nguyệt vội vã bước vào phòng như có giặc đuổi theo.
Thấy phản ứng của Tần Nguyệt như vậy, Ninh Ngọc càng nghi ngờ. Nhớ lại hôm trước tình cờ thấy Tần Nguyệt cười tủm tỉm trước cửa nhà, nụ cười ấy hình như còn mang theo vẻ thẹn thùng của thiếu nữ.
Trong lòng Ninh Ngọc bỗng nảy sinh một suy đoán: nếu cô đoán đúng thì Tần Nguyệt thật quá ngốc, chẳng khác gì kiếp trước ngu ngốc của cô.
Nhưng tạm thời đó chỉ là nghi ngờ, Ninh Ngọc chưa thể khẳng định, định sẽ tiếp tục quan sát rồi mới hành động.
Hôm sau, vừa ăn trưa xong, như đã hẹn, Ninh Khải đã đạp xe đến tìm Ninh Ngọc.
Cha mẹ Tần đã đi làm từ sớm, Ninh Ngọc xách theo mấy túi quần áo rồi rời nhà.
Thấy chị xách nhiều túi thế, Ninh Khải vội vàng nhận lấy, phát hiện bên trong toàn quần áo, tò mò hỏi:
“Chị, chừng này quần áo ở đâu ra vậy?”
Ninh Ngọc cười, nhận lại hai túi rồi nói:
“Đi thôi, lát nữa trên đường chị kể cho.”
Ninh Khải không hỏi thêm nữa, treo hai túi còn lại lên ghi-đông, đợi chị ngồi lên yên sau rồi mới đạp đi.
Lần này Ninh Ngọc không mượn xe đạp hàng xóm. Dù thân thiết đến mấy, mượn hoài cũng bất tiện.
Ra khỏi làng, đến đoạn đường vắng, Ninh Ngọc mới bắt đầu kể về “công việc nhỏ” mà mình đang làm.
Ninh Khải dạo này học ở trường trung học thị trấn, từng nghe bạn bè nói về chợ đen, nên không thấy lạ, ngược lại còn mừng cho chị gái vì tìm được cách kiếm tiền.
“Vậy cũng tốt, chị không phải xuống đồng làm nữa. Nhưng mà chị à, biết người biết mặt khó biết lòng, chị phải cẩn thận đó.”
Ninh Ngọc liếc nhìn em trai, cười nói:
“Chị mà cần em dặn chắc?”
Ninh Khải cười hì hì:
“Em biết chị giỏi, nhưng em vẫn lo cho chị mà.”
“Được rồi, chị sẽ cẩn thận. Còn em, lo mà học hành tử tế vào. Dù giờ chưa có thi đại học, nhưng ai biết được sau này có khôi phục không? Với lại, học kiến thức vẫn có lợi.” Ninh Ngọc vô tình khơi gợi một chút định hướng cho em.
Ninh Khải luôn nghe lời chị gái:
“Chị yên tâm, em sẽ học hành nghiêm túc!”
Hai chị em vừa nói vừa cười suốt quãng đường, chẳng mấy chốc đã đến trường thị trấn.
Trước khi vào trường, Ninh Ngọc dúi cho em trai 10 đồng:
“Em đang tuổi lớn, phải ăn uống cho đủ, đừng tiết kiệm quá. Không đủ thì lại bảo chị. Còn xe, chị mượn đấy, tan học chị đón em.”
Nói xong, không chờ Ninh Khải phản ứng, Ninh Ngọc đã leo lên xe đạp đi mất.