Trần Vi - 1
Cập nhật lúc: 2025-05-20 06:59:09
Lượt xem: 355
Vào ngày vị hôn phu trở về quê, anh ta dẫn theo một cô nữ thanh niên trí thức xinh đẹp vô cùng.
Chưa đến nửa ngày, cả phố lớn ngõ nhỏ đều đã đồn ầm lên.
Họ nói cô nữ trí thức kia không chỉ xinh đẹp, khí chất lại tốt, học cùng trường đại học với vị hôn phu tôi, còn xuất thân từ gia đình có truyền thống học vấn — quả thật là trai tài gái sắc.
Dì Chu thay tôi bất bình.
“Cháu chăm sóc cho người già nhà họ An, lại còn nuôi nấng đám nhỏ nhà họ An, cực khổ lắm mới cho An Thành học hành nên người, vậy mà giờ nó lại bỏ cháu. Đúng là đồ vong ân phụ nghĩa!”
Tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ xây lại bức tường ngăn giữa hai nhà vốn đã bị phá bỏ.
Đêm hôm đó, em gái của An Thành rúc vào lòng tôi, khe khẽ hỏi:
“Chị Vi Vi, ‘vong ân phụ nghĩa’ là gì vậy ạ?”
Từ gian ngoài, cách một tấm rèm, truyền đến tiếng em trai của An Thành gằn giọng đầy tức giận:
“An Thành chính là đồ vong ân phụ nghĩa!”
01
An Quỳnh lại đánh nhau rồi.
Nghe nói cậu ấy mượn xe đạp của chồng dì Chu, đạp suốt hơn ba tiếng đồng hồ, chỉ để chạy sang thành phố bên tát cho anh trai An Thành một bạt tai.
“Đánh c.h.ế.t anh cái đồ vong ân phụ nghĩa!”
Cái tát ấy khiến An Thành xoay một vòng rưỡi ngay tại chỗ, mãi đến khi em gái An Nhiên đỡ mới đứng vững lại được.
Anh ta học giỏi, diện mạo tốt, công việc cũng ổn định, nhiều năm nay chưa từng bị ai làm mất mặt như thế.
Huống chi lần này còn bị chính em trai ruột đánh ngay trước cổng cơ quan.
An Thành mất hết thể diện, ngây người ra một lúc lâu rồi mới giận dữ quát lên, trên mặt vẫn in rõ dấu bàn tay đỏ bừng:
“An Quỳnh, mày điên rồi sao!”
Thế mà ngay giây tiếp theo, anh ta lại bị An Nhiên trùm bao bố vào người, giữ chặt lấy chân. An Quỳnh thì nhanh tay lẹ mắt, lục trong túi áo anh ta lấy ra mấy tấm tem lương thực, tem vải, cả tem xe đạp.
Đây là số phiếu mà An Thành vừa nhận được tháng này.
Còn chưa kịp cầm nóng tay, đã bị An Quỳnh gom sạch.
Dì Chu kể chuyện sống động như thể chính mắt chứng kiến.
Vừa dứt lời, bên ngoài bức tường đã vang lên tiếng hàng xóm hỏi to:
“Rồi sao nữa!”
“Rồi á, rồi thì hai đứa nhóc đó bị Vi Vi bắt đứng phạt chứ sao!”
Tôi đếm lại số tem lương thực trên bàn, mặt lạnh xuống.
Một cao một thấp, hai đứa trẻ sắp lớn đứng dán vào chân tường, ánh trăng xuyên qua giàn dây leo rơi xuống, chiếu lên hai gương mặt trẻ tuổi có cùng một vẻ bướng bỉnh.
“Nói đi, hai đứa sai chỗ nào?”
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn - https://monkeyd.net.vn/tran-vi/1.html.]
An Quỳnh ưỡn cổ lên, mãi mới phun ra ba chữ cứng ngắc: “Em không sai.”
An Nhiên thì thông minh hơn, đảo mắt một cái là hiểu ngay.
“Chị Vi Vi, có phải chị chê tụi em chạy đi xa quá mà giành được quá ít không ạ?”
Tôi cầm bàn tính, gõ nhẹ lên trán hai đứa, chậm rãi tính toán.
“Học phí trung học của hai đứa còn chưa có.
“An Nhiên học giỏi, sau này phải lên đại học. Nghe nói sắp tới cải cách giáo dục, học đại học cũng phải đóng học phí.
“An Quỳnh năm nay đã mười bốn tuổi, vài năm nữa là tới tuổi lấy vợ. Mấy món ba đại kiện ở thành phố bây giờ là tủ lạnh, tivi và máy giặt, không rẻ đâu.”
An Quỳnh đỏ mặt, mím môi lại.
“Em không lấy vợ, để dành tiền cho em gái đi học.”
Nó mà cố chấp lên thì mười con trâu cũng không kéo lại được.
May mà còn nhỏ, vẫn nghe lời tôi.
“Nói gì linh tinh vậy? Hai đứa mang họ An, An Thành là anh, nuôi hai đứa ăn học là chuyện đương nhiên.
“Nếu anh ta không nhận chị cùng cái mối nhân duyên này với anh ta…”
Tôi chưa nói hết câu.
Bao năm qua, tôi thay An Thành chăm sóc ông nội nhà họ An, mang danh cháu dâu mà lo tang sự, đập bát, đưa tiễn.
Còn nuôi lớn hai đứa em trai em gái của anh ta, thà để bản thân ăn ít đi một chút cũng không để chúng nó bị đói.
Bận rộn như thế suốt bao năm, tôi gần như chưa từng nhìn kỹ lại chính mình một lần, cứ như con vụ quay mãi không ngừng.
Xoa xoa lòng bàn tay, lớp chai dày làm tôi đau rát.
Tiễn dì Chu về, lại giục hai đứa nhỏ đi ngủ.
Màn đêm buông xuống, mùa hè nóng bức, tôi ngồi trên băng đá trong sân, có giọt nước nhỏ xuống.
Không biết là mồ hôi… hay là nước mắt.
02
Ngày hôm sau, An Thành trở về nhà.
Cùng về với anh ta, còn có ông bác họ sống ở thành phố.
Ông bác này là một trong những sinh viên đại học cuối cùng của thập niên 60. Tuy chỉ học đại học một năm, nhưng thời ấy sinh viên rất hiếm, ai nấy đều được trọng dụng.
Sau khi tốt nghiệp, ông được phân về làm việc tại nhà máy thép tinh luyện ở tỉnh lỵ.
Hiện giờ, ông đã là quản đốc phân xưởng.
Ngày ông nội nhà họ An qua đời, An Thành đang theo giáo sư đi khảo sát ở nơi xa, không thể quay về kịp. An Quỳnh lại bệnh rất nặng, chính ông bác đã nhờ tôi thay mặt nhà họ An đập bát, dập đầu, tiễn đưa cụ ông.
Ở nhà họ An, ông ấy luôn có tiếng nói.
Nhất Phiến Băng Tâm
Vì vậy khi ông mở lời bảo tôi thay An Thành lo tang sự, không ai dám phản đối.