Năm đó, trường tuyển không nhiều học sinh, nhưng vẫn chia thành bảy lớp, mỗi lớp hơn sáu mươi người.
Số phận tung xúc xắc một cách ngẫu nhiên — tôi rơi vào lớp Một, còn Vương Đằng vào lớp Bảy.
Lớp Một nằm cuối hành lang tầng một phía Đông, lớp Bảy ở tận cuối tầng hai phía Tây.
Thì ra, chẳng cần nước sông Trường Giang ngăn cách, chỉ cần mỗi ngày có chín tiếng đồng hồ bị chắn giữa một tầng lầu, là tôi đã thấm thía nỗi niềm:
“Tư quân bất kiến quân, thử hận hà thời dĩ.”
(Nghĩ đến chàng mà chẳng thể gặp được, nỗi hận ấy biết đến bao giờ mới nguôi?)
Thế là, khoảng thời gian bên nhau của chúng ta — từ nguyên một ngày dài, dần rút lại chỉ còn sáng đi chiều về.
Rồi sau đó, đến cả những buổi đi học chung ấy cũng chẳng còn nữa, bởi anh đã có bạn bè của riêng mình, còn tôi cũng kết giao với những người bạn mới.
Hóa ra, chia xa và trưởng thành, đều chỉ là chuyện xảy ra trong một cái chớp mắt.
Từ đó, anh chỉ nhớ đến tôi mỗi khi quên mang sách vở.
Mà tôi cũng vậy, chỉ dám tìm anh khi thật sự cần mượn sách.
Tôi vẫn nhớ rõ cái ngày hôm đó, tôi bước đến cửa lớp Bảy, gọi một nam sinh đứng gần cửa:
“Bạn ơi, giúp mình gọi Vương Đằng một chút.”
Cậu bạn cao kều đó nhìn tôi một lượt, rồi nở nụ cười đầy mờ ám, hét vang vào lớp với giọng cố tình trêu chọc:
“Vương ~ Đằng ~ có gái lớp khác tìm cậu này!”
Cả lớp Bảy lập tức náo động.
Nam có, nữ có, đều bật cười nhìn về phía anh.
Anh cúi gằm đầu chạy ra ngoài, rồi vẫn cúi đầu chạy vào, cầm quyển sách địa lý ném vào tay tôi.
Cậu bạn kia khoác vai anh, cười hì hì hỏi: “Ai vậy?”
Anh vừa đẩy tay cậu ta ra, vừa gào lên: “Chỉ là người quen thôi.”
Tôi ôm quyển sách địa lý, lặng lẽ quay trở về lớp.
Đi được nửa đường, chuông vào học đã vang lên, còn trong đầu tôi vẫn chỉ quanh quẩn một chuyện — Vương Đằng, anh thậm chí còn không buồn nhìn tôi lấy một lần.
Tôi tủi thân biết bao.
Có lẽ từ giờ, tôi không thể gọi anh là “anh” nữa rồi, vì trong mắt anh, tôi chẳng qua chỉ là “một người quen”.
Từ đó, tôi không dám đến lớp anh mượn sách nữa.
Môn địa lý cũng trở thành môn tôi ghét nhất.
Tuổi dậy thì đến đúng như hẹn, tôi bắt đầu trở nên nhạy cảm, dễ xúc động, chỉ một chút chuyện nhỏ cũng có thể khiến tôi rơi nước mắt.
Trong lòng luôn ngổn ngang cảm xúc, mà tất nhiên, những điều “đa sầu đa cảm” ấy anh chẳng thể hiểu được.
Tôi vụng về tìm cách tránh mặt anh, trong đầu cứ nghĩ: anh nên nhận ra tôi đang buồn, tôi đang không vui.
Rồi khi anh nhận ra, anh sẽ đến dỗ dành tôi.
📜 Bản dịch nhà Họa Âm Ký, xin đừng mang đi chơi khi chưa xin phép!
📜 Follow Fanpage "Họa Âm Ký" để cập nhật truyện mới mỗi ngày bạn nhé ^^
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn - https://monkeyd.net.vn/index.php/thanh-mai-truc-ma-bsnm/chuong-3.html.]
Đáng tiếc là, trái tim mới chớm biết rung động ấy của tôi không hiểu được rằng — bộ não của một cậu con trai tuổi mười ba, căn bản không thể xử lý nổi những tâm tư vụn vặt của một cô gái đang lớn.
Với anh khi đó, tôi bỗng trở thành một người kỳ lạ và khó hiểu: hay im lặng, lạnh lùng, chẳng còn dễ nói chuyện như xưa.
Không còn anh bên cạnh, tôi một mình xem rất nhiều tiểu thuyết thanh xuân, đọc vô số truyện tranh thiếu nữ.
Cả thế giới nội tâm được dồn hết vào những xúc cảm mơ hồ và ảo tưởng.
Ban ngày, tôi quyết định sẽ giận anh cả đời, không bao giờ thèm nói chuyện nữa.
Nhưng đêm đến, lại lặng lẽ tưởng tượng viễn cảnh sống bên anh cả đời như một lời hứa ngốc nghếch.
Cũng may, năm đó tôi không viết nhật ký nên những suy nghĩ buồn cười, hoang đường ấy, không để lại bất kỳ chứng cứ nào.
Tiểu thuyết và truyện tranh không giúp tôi hiểu rõ được tình cảm thật sự của mình, nhưng lại vô tình làm chệch hướng toàn bộ việc học.
Từ chỗ đứng trong top 50 toàn khối lúc mới vào trường, thành tích của tôi cứ tụt dần không phanh.
Cho đến kỳ thi giữa kỳ đầu tiên của năm lớp Tám, tôi chính thức rớt khỏi top 200.
Đó cũng là lần duy nhất mẹ nói với tôi:
“Con thế này thì mẹ không cần con nữa.”
Tối hôm đó, ba tôi trực ca.
Mẹ nhìn bảng điểm rồi giận dữ ra tay đánh tôi, đập đổ cả giá sách đầy truyện tranh và tiểu thuyết.
Sau đó, bà đẩy tôi ra khỏi cửa.
Tôi vừa khóc vừa cầu xin, nhưng mẹ chẳng hề do dự, lạnh lùng đóng sập cánh cửa lại ngay trước mặt tôi.
Bên ngoài trời đổ mưa lớn, tối đen như mực.
Tôi chân trần, co mình nép vào góc nhỏ dưới mái hiên, nhìn nước mưa dần dần ngấm vào ống quần.
Nước mắt trên má sớm đã lạnh ngắt.
Tất cả những tâm tư ngây ngô, tự tôn non nớt của một cô bé mười ba tuổi đều vỡ vụn, tổn thương, bị cơn mưa đêm đó cuốn trôi sạch.
May mà, trước khi tôi nghĩ quẩn, anh đã đến.
Tôi không dám tưởng tượng, nếu hôm ấy anh không nhìn thấy tôi thì giờ tôi sẽ ra sao.
Dù câu đầu tiên anh nói khi nhìn thấy tôi là:
“Vương buổi sáng, cậu ngồi xổm ở đây làm gì đấy, trông như con ch.ó con vậy.”
Tối hôm ấy, tôi sang nhà anh. Được tắm nước nóng, được ăn cơm.
Dì Đằng ngồi cạnh, nắm tay tôi dịu dàng khuyên nhủ, lời nào cũng tha thiết:
“Học hành quan trọng lắm, con à.
Phải nghe lời, giữ tâm trí cho yên, giờ chăm chỉ học cũng chưa muộn đâu.”
Mẹ anh lúc nào cũng nhẹ nhàng, dịu dàng như thế.
Bà nấu nước lá ngải cho tôi ngâm chân, vừa làm vừa nói:
“Chân con gái không thể để lạnh, lớn lên khớp xương dễ đau lắm.”