Gió lạnh gào thét, đôi chân tôi run lẩy bẩy.
Bụng dưới đau nhói, nóng rát như có dòng nước sôi chảy cuồn cuộn.
Đang hát còn phải phối hợp những động tác vươn chân đơn giản.
Vừa đưa chân ra, một thứ gì đó trượt dọc theo đùi rơi xuống.
Là miếng băng vệ sinh rẻ tiền tôi mua.
Nó thấm máu, rơi giữa sân khấu.
Tôi nghe thấy tiếng “ầm” nổ trong đầu.
Bụng dưới như mở van, m.á.u ào ạt tuôn ra, chảy dọc theo đùi, ngấm ướt cả giày tất.
Tiết mục vẫn đang diễn ra.
Tôi không có can đảm bước khỏi sân khấu, chỉ có thể như con rối gỗ đứng đó, hứng chịu mọi ánh mắt xét nét.
Mắt mờ đi, tai chỉ còn tiếng cười vang dội.
Cuối cùng cũng đến lúc kết thúc, tôi thậm chí quên cả việc nhặt miếng băng vệ sinh kia, chỉ cắm đầu chạy trốn.
Tôi chạy một mạch lên sân thượng.
Trên đó có vài chậu cây, nhưng tất cả đã khô héo.
Tôi nhớ lúc trước khi khai giảng, ông đã đào bỏ khóm hồng nở đẹp nhất trong vườn rau.
Tôi hỏi ông: “Nở đẹp thế, sao lại chặt đi?”
Ông nói: “Bên ngoài nhìn thì đẹp đấy, nhưng bên dưới gốc đã mục rồi, sớm muộn gì cũng chết.”
Tôi cũng giống như khóm hồng ấy.
Bên ngoài trông như rực rỡ ngát hương, nhưng bên trong rễ đã thối rữa.
Cái chết, chỉ là vấn đề thời gian...
Máu vẫn chảy mãi không ngừng.
Gió mạnh thổi tung vạt váy.
Tôi nhìn xuống đám người chen chúc phía dưới.
Nếu bây giờ tôi nhảy xuống, có thể phá hỏng lễ kỷ niệm trường mà họ chuẩn bị mấy tháng trời không?
Tôi bước lên một bước, một chân đã vượt qua lan can.
Đúng lúc đó, phía sau vang lên một giọng quen thuộc: “Linh Linh...”
11
Tôi quay đầu lại — là ông!
Là ông thật sự!
Ông mặc chiếc áo khoác mới do cô mua vài năm trước mà ông vẫn tiếc chưa từng mặc, đi đôi giày da đen, mang theo một chiếc ba lô vải lớn.
Ông cười toe toét gọi tôi, những nếp nhăn nơi khóe mắt xếp chồng lên nhau: “Linh Linh, lại đây nào!”
“Ông kiếm đủ tiền rồi, dẫn cháu đi khám bệnh!”
Ông mở ba lô, lấy ra một đống “bảo bối”.
“Đây là cá khô ông phơi cho cháu, còn có bánh cuốn, bánh ú nữa...”
“Cháu xem cháu kìa, gầy đến mức còn da bọc xương rồi.”
...
Nước mắt tôi ào ào trào ra, lao vào lòng ông.
Ông ôm chặt tôi, giọng nghẹn ngào: “Con bé này, người yếu ớt, trời thì lạnh mà còn lên sân thượng phơi gió, cháu muốn lấy mạng ông hả?”
“Ông sợ c.h.ế.t khiếp!”
Ông cố chấp bắt tôi mặc áo khoác của ông, vừa kéo vừa nói: “Áo này cũ rồi, có làm cháu mất mặt không?”
Tôi lắc đầu lia lịa, nước mắt giàn giụa: “Không đâu, không đâu.”
Vào trong hành lang, tôi mới phát hiện thầy chủ nhiệm — thầy Trần — đang đứng gần cửa.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.net.vn/index.php/nguoi-ganh-ca-bau-troi-cho-toi/chuong-6-le-ky-niem-truong.html.]
Trán ông đầy mồ hôi, thấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm: “Sự cố trên sân khấu cũng không sao, nhưng sức khỏe là quan trọng nhất, mau theo ông cháu đi khám đi.”
Vậy là, thầy cũng biết...
Chỉ trong khoảnh khắc, tôi thật sự đã có ý định chết.
Ông đưa tôi đến bệnh viện thành phố.
Ông không rành chữ, chỉ lẽo đẽo theo sau tôi trả tiền.
Tiền ông giắt trong cạp quần, mỗi lần lấy đều phải vào nhà vệ sinh mở thắt lưng.
Sợ tôi sốt ruột chờ lâu, ông giải thích: “Người đông là dễ bị móc túi, đây là tiền chữa bệnh của cháu, một xu ông cũng không thể để mất.”
“Ông còn làm được thêm mười năm nữa, bệnh viện lớn thế này, bệnh của cháu chắc chắn chữa khỏi.”
...
Bác sĩ kê một đống xét nghiệm.
Lúc chờ kết quả, chúng tôi đến quầy hàng nhỏ ăn trưa.
Ông mua cho tôi một hộp cơm sườn heo, xin thêm một cốc nước nóng.
Chúng tôi ngồi ở ghế dài bên ngoài, ông lôi hai chiếc bánh mì khô trong ba lô ra, chấm nước nóng ăn.
“Ông mua nhiều quá, không ăn thì phí.”
Ông không chớp mắt bỏ ra cả nghìn tệ cho tôi khám, vậy mà không nỡ tiêu mười đồng mua cho mình bữa cơm nóng.
Tôi thật đáng chết.
Tôi đã từng quên mất lời hứa sẽ hiếu thảo với ông.
Bác sĩ bảo tôi bị rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, kê thuốc, dặn phải uống đúng giờ.
Ra khỏi bệnh viện thì trời đã sẩm tối.
Ông lo cho gà vịt ở nhà, vội vàng bắt xe về.
Tôi tiễn ông ra bến xe.
Trước khi lên xe, ông dúi cho tôi hơn trăm đồng cuối cùng: “Linh Linh, trời lạnh rồi, lấy tiền này mua đôi giày dày mà mang!”
Ông đứng trên bậc thang xe, xoa đầu tôi.
“Phải nhớ ăn uống đúng bữa, sức khỏe là quan trọng nhất, học hành đứng thứ hai.”
Tôi trở lại trường, có mấy nam sinh xì xào sau lưng.
“Chính là con bé đó đấy, cái đứa làm sân khấu nhuộm máu...”
12
Đang lúc xấu hổ không biết phải làm sao, một giọng nói trong trẻo vang lên:
"Đang nói cái gì vậy? Các cậu không có mẹ, không có bà ngoại, không có chị em gái à?"
Là lớp trưởng Lưu Đồng.
Cô ấy khoác vai tôi: "Đừng để ý đến bọn nó, như đám bà già ấy, lắm chuyện."
Lúc ấy đang trong giờ tự học buổi tối.
Cô ấy dắt tôi trở lại lớp học, mọi người đều ngẩng đầu nhìn tôi.
Rồi ai nấy lại cúi xuống: người đọc sách, người làm bài tập.
Không ai đến hỏi han hay an ủi tôi.
Nhưng như thế lại chính là điều tôi mong muốn.
Tôi hy vọng mọi người hoàn toàn quên đi chuyện đó, coi như chưa từng xảy ra.
Sau giờ tự học, cô giáo dạy tiếng Anh – cô Vương gọi tôi lại, đưa tôi một túi đồ.
"Cô và thầy Trần mua cho em. Thầy ấy ngại, nhờ cô đưa. Em mang về ký túc xá đi nhé."
"Nếu sau này có bài nào không hiểu, cứ đến hỏi bọn cô thầy."
Trong túi có mấy gói băng vệ sinh, đường đỏ, táo đỏ, và một hộp quần lót mới.
Đa số người ở ngôi trường này đều lạnh lùng, xa cách.
Nhưng chút ấm áp nhỏ bé ấy, cũng đủ để tôi có dũng khí bước tiếp.