NGƯỜI GÁNH CẢ BẦU TRỜI CHO TÔI - Chương 1: Cho cháu xin 5 tệ được không?
Cập nhật lúc: 2025-03-23 08:14:10
Lượt xem: 466
1
Mẹ không thích tôi.
Tôi biết điều đó từ khi còn rất nhỏ.
Sau khi sinh tôi, bà nội không chăm mẹ trong tháng ở cữ, còn bố chưa đầy mười ngày đã vào xưởng làm việc.
Mẹ thường xuyên oán trách tôi:
“Nếu mày là con trai, chắc mẹ chồng tao đã coi tao như bà tổ!”
Tôi là con gái, như thể đó là một cái tội bẩm sinh.
Thể trạng tôi vốn yếu, người gầy gò xanh xao.
Hàng xóm dì Vương từng nói:
“Chị cho con bé ăn cái gì bồi bổ đi, nhìn nó kìa.”
Mẹ khoát tay:
“Vô ích, ăn vào cũng chẳng lớn nổi, chỉ tổ phí đồ ăn.”
Ngay cả khi ốm, tôi cũng chỉ có thể tự chịu đựng.
Có một mùa đông, tôi ho suốt cả mùa, ho đến mức đau rát cả ngực.
Rất nhiều người khuyên mẹ đưa tôi đi khám.
Nhưng mẹ gạt đi:
“Trẻ con thì đừng đi bệnh viện nhiều, bác sĩ toàn là bọn hút m.á.u người. Ho nhiều mới có sức đề kháng!”
Năm tôi 11 tuổi, mẹ cuối cùng cũng sinh được một cậu con trai như bà luôn mong mỏi.
Tiếc rằng bà nội đã mất, mẹ chẳng được ai nâng như nâng trứng.
Sau khi em trai tròn một tuổi, bố mẹ cùng dắt nó vào thành phố đi làm.
Và tôi – học sinh lớp 6 tiểu học – bị bỏ lại cho ông nội nuôi.
Tết nguyên tiêu, tôi tiễn họ ra bến xe ở đầu làng.
Tôi níu tay áo mẹ, rụt rè hỏi:
“Mẹ ơi, hè con có thể đến tìm mẹ không?”
Trong làng, mấy đứa trẻ khác đều được về thành phố với bố mẹ dịp hè.
Mẹ bực bội hất tay tôi ra:
“Lúc đó tính sau! Né ra một bên, mày chắn đường người ta rồi đấy!”
Chiếc xe khách cũ kỹ rồ máy rời đi.
Rất nhiều phụ huynh thò đầu ra cửa sổ tạm biệt con mình.
Đầu em trai cũng lòi ra một lúc, nhưng bị mẹ lập tức đẩy vào trong.
Tôi đứng yên nhìn theo cho đến khi xe mất hút.
Mẹ không hề quay đầu nhìn tôi lấy một lần.
...
Ông nội tôi là người trầm lặng, gần như không bao giờ cười.
Mỗi ngày ngoài công việc đồng áng, ông chỉ ngồi hút thuốc lào ở bậc cửa.
Trước kia tôi vốn không thân với ông, giờ sống chung càng thêm ngượng ngùng.
Cả hai chỉ trao đổi với nhau vài câu cố định hằng ngày:
“Dậy đi học đi.”
“Đến giờ ăn cơm rồi.”
“Không còn sớm nữa, rửa ráy đi ngủ đi.”
Cứ thế, tôi sống qua một học kỳ trong bầu không khí nặng nề.
Cuối cùng thì kỳ nghỉ hè cũng tới.
Tôi gọi điện hỏi mẹ:
“Dì Vương về làng rồi. Con có thể đi cùng dì lên chỗ mẹ được không?”
Dì Vương làm cùng nhà máy với bố mẹ tôi, lần này về là để đón con gái học lớp 4 lên chơi hè.
Mẹ lạnh lùng từ chối:
“Đừng đến, mẹ bận làm suốt ngày. Em mày thì bám người kinh khủng, mẹ còn chẳng có thời gian lo cho mày đâu.”
Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ kinh hoàng.
Tôi bị một bầy chó hoang cắn chặt lấy chân, m.á.u chảy đầm đìa.
Tôi vừa khóc vừa cầu xin bố mẹ cứu mình.
Nhưng họ chỉ ôm lấy em trai, chạy biến đi không ngoái đầu lại.
Tôi choàng tỉnh giữa đêm — trong bụng có cảm giác lạ lạ, ẩm ướt…
Kinh nguyệt đầu tiên của tôi đến rồi.
Nó đến quá sớm, quá đột ngột. Làm bẩn cả ga giường, cả quần áo.
Chị gái nhà bên vội cho tôi mượn một miếng băng vệ sinh.
Tôi ngồi xổm bên giếng sau nhà, vừa giặt ga giường vừa thấy xấu hổ khủng khiếp.
Ông nội trở về.
Ông hỏi:
“Sao không ra ao giặt?”
Giếng nước nhà tôi chỉ đủ để nấu nướng và uống — không đủ dùng để giặt.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.net.vn/index.php/nguoi-ganh-ca-bau-troi-cho-toi/chuong-1-cho-chau-xin-5-te-duoc-khong.html.]
Tôi hoảng hốt che lấy vết m.á.u trên tấm ga, lí nhí:
“Nước giếng mát hơn ạ…”
May là ông không hỏi thêm gì nữa.
Nhưng tôi vẫn phải lấy hết can đảm để mở lời:
“Ông ơi… ông… cho cháu xin 5 tệ được không?”
2
Ông không cười, hỏi: “Cháu cần tiền làm gì?”
Tôi muốn mua băng vệ sinh.
Nhưng một bé gái mười hai tuổi, làm sao có thể thẳng thắn nói chuyện này với một người đàn ông lớn tuổi?
Tôi đỏ mặt tới mức muốn nhỏ cả máu, tay siết chặt lấy nhau.
Ông nhìn tôi một lúc lâu, rồi từ túi quần móc ra một xấp tiền lẻ.
Rút ra một tờ năm đồng đưa cho tôi, hỏi: “Đủ không?”
Trước giờ mỗi lần tôi xin tiền ba mẹ, đều bị chửi té tát.
Đây là lần đầu tiên, có người hỏi tôi “đủ không?”.
Tôi gật đầu thật mạnh.
Năm đồng.
Vừa đủ để mua một bịch băng vệ sinh loại 30 miếng.
Trong đó có 5 miếng loại ban đêm siêu dài.
Tôi rất tiết kiệm, chỉ thay khi đã thấm đầy, nghĩ như vậy là đủ dùng.
Nhưng mười ngày trôi qua, kỳ kinh vẫn chưa hết.
Tôi bắt đầu thấy sợ, liền gọi điện cho mẹ, mẹ lại thờ ơ: “Vậy thì đợi thêm hai ngày nữa, chuyện vớ vẩn đó mà cũng tốn tiền điện thoại à?”
Nhưng tôi không thể chờ thêm được.
Tối hôm đó ăn cơm xong, tôi mang bát đũa vào bếp, lúc bước qua bậc cửa thì cảm giác một luồng ấm nóng chảy ra từ bên dưới.
Tôi hoa mắt, rồi ngất xỉu.
Khi tỉnh lại, tôi đang nằm trên xe ba bánh.
Ánh trăng sáng vằng vặc, bóng ông kéo dài, đổ lên khuôn mặt tôi.
Ông đang đạp xe lên dốc, chân dùng hết sức, cả người gần như đứng thẳng, lưng căng cứng.
Ông gầy quá.
Vai ông chỉ rộng hơn tôi một chút xíu.
Tôi ngồi dậy: “Ông ơi, để cháu xuống tự đi được rồi.”
Ông quát tôi.
Giọng nói bị gió đêm thổi đến rời rạc: “Đừng cựa, cháu mà động đậy, ông càng đạp không nổi.”
Bác sĩ ở trạm y tế tiêm cho tôi một mũi cầm máu.
Còn dặn ông: “Con bé này gầy quá, phải bồi bổ thêm, điều dưỡng cơ thể cho tốt.”
Từ hôm đó, mỗi sáng ông đều luộc cho tôi một quả trứng gà.
Mỗi lần nhà đồ tể Trương mổ heo, đều để dành cho ông nửa miếng gan heo.
Ông còn mua 30 con gà ác về nuôi, chăm sóc như tổ tiên vậy.
Mùa hè nóng bức, gió quạt cũng nóng rực.
Tôi khó ngủ.
Ông dọn giường tre ra cạnh ao, hai ông cháu nằm ngược đầu nhau.
Lúc đó, trời đầy sao, tiếng ếch kêu râm ran.
Cây quạt mo trong tay ông quạt không ngừng, gió mát từ bàn chân thổi tới tận chân tóc tôi.
Tôi mơ màng thiếp đi.
Gà ác trong nhà chưa kịp lớn, tôi đã phải đi học cấp hai.
Trường ở thị trấn, xa nhà, tôi phải ở nội trú.
Điều kiện rất thiếu thốn, một phòng ký túc có tới mười hai người ở.
Nước nóng khan hiếm, một đồng một ấm, tới trễ thì hết.
Mùa đông tôi cũng phải tắm nước lạnh.
Tắm ở nhà vệ sinh, mà nhà vệ sinh thì không có cửa, cả tầng dùng chung.
Người nào đi ngang cũng dễ dàng nhìn thấy hết.
Tôi thường vừa tắm vừa run lập cập, tắm xong chui vào chăn, cả đêm chân vẫn lạnh ngắt.
Kỳ thi giữa kỳ, tôi lại có kinh lần hai.
Xui xẻo thay.
Tới tận hai tuần vẫn chưa hết, bụng còn đau quặn, khiến tôi trong giờ thi đầu óc cứ mơ màng.
Thi xong về nhà, ông sợ hãi:
“Linh Linh, sao mặt cháu trắng bệch thế này?”
Ông lại đưa tôi đi tiêm.
Bác sĩ nói: “Tốt nhất nên đưa tới bệnh viện lớn kiểm tra.”
…