Sau đêm đó, cả kinh thành rúng động.
Không ai biết chuyện gì xảy ra trong bữa tiệc Bách Hoa Lâu, nhưng sáng hôm sau, mấy vị quan lớn tự nhiên rút người thân khỏi thanh lâu. Một vài tên sai nha từng quát tháo đầu ngõ cũng đột nhiên cung kính hẳn. Bọn đầu phố còn đồn rằng, có người thấy một chiếc xe ngựa đen rời lâu lúc canh tư, đi thẳng về hướng Đông Thành, nơi đặt nha môn của Lục Văn.
Còn ta, thì chỉ ngồi uống trà.
Lục Văn không xuất hiện suốt ba hôm sau. Không hạch tội, không kiểm tra, không gửi công văn. Một sự im lặng đáng ngờ, và cũng là tín hiệu đầu tiên của một người đang rút lui trong danh dự.
Nhưng ta đâu có dừng ở đó.
Cái bàn cờ này, muốn sống lâu phải đánh đến cùng.
Ta triệu tập hết các kỹ nữ chủ lực vào phòng họp tầng ba, nơi từng là phòng riêng của lâu chủ cũ. Ánh sáng ở đây mờ, tiếng vang nhẹ, dễ khiến người ta quên mất thời gian.
“Đêm qua là hồi chuông. Từ nay, không còn khách nào là ‘khách thường’ nữa. Mỗi bước chân vào đây đều có thể là một thanh gươm giấu trong tay áo.”
Các nàng im lặng, chỉ Hồng Loan khẽ nói:
“Người… sợ bọn họ quay lại?”
Ta lắc đầu.
“Ta sợ những người không biết sợ.”
Ta bắt đầu phân người – người tiếp khách, người pha trà, người chỉ tiếp rượu. Ai chuyên gì thì làm đó, tuyệt đối không lấn sân. Mỗi tuần họp một lần, báo cáo khách mới, khách lạ, khách đáng nghi.
Ta ban thêm hai lệnh: Từ nay trở đi, không được nhận quà từ khách. Nếu có, giao nộp. Ngoài ra, ai tiết lộ chuyện trong lâu ra ngoài, không cần bằng chứng, ta cho nghỉ việc ngay.
Các nàng ban đầu hoang mang. Nhưng chỉ một tuần sau, khi có tin một kỹ nữ của Hoa Viện bị bắt vì dính vào vụ buôn người, tất cả hiểu: giữ mồm giữ miệng là sống.
Chuyện của Lục Văn, ta không tự mình đồn. Ta dùng mấy phụ nhân bán rượu ở phố dưới, mồm miệng như loa phát thanh, thả ra một câu chuyện khác.
Nội dung như sau:
“Lục đại nhân si mê một cô ở Bách Hoa Lâu, bị từ chối, nên tìm cớ phá lâu. Không ngờ bị lật ngược thế cờ, mất mặt phải rút.”
Lời đồn như nước bẩn, một khi đã tràn ra thì khó mà gom lại.
Chẳng mấy chốc, từ mấy hàng cơm đầu ngõ tới tửu lâu Phụng Lai đều nhắc chuyện “thị vệ si tình”. Lục Văn bị cười sau lưng, nhưng không dám kiện, vì càng nói càng lộ mặt.
Còn ta thì được thêm một lớp áo giáp vô hình: “lâu chủ khôn ngoan, không sợ quyền uy, lại giữ thân sạch sẽ”. Dân buôn thích, khách lớn nể, bọn quan lại thì kiêng dè.
Ta không quên “mùi phản phúc”.
Hồng Loan, kỹ nữ đẹp nhưng ánh mắt luôn ngập ngừng, là người ta đặt nghi vấn đầu tiên. Nhưng ta không trừng phạt, mà thả dây cho nàng tự trói.
Ta ra lệnh cho Thanh Chi, người nhỏ nhất trong đám kỹ nữ, nhưng lanh lẹ và trung thành, tiếp cận Loan. Giả vờ than thở, kể chuyện không thật, rải vài tin giả.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.net.vn/index.php/lau-xanh-khong-den-do/chuong-5-co-cao-tay-mem-long-sat.html.]
Chỉ ba hôm sau, những chuyện chỉ có Loan biết lại xuất hiện trong miệng một gã khách quen của Thu Nguyệt Các. Vậy là đủ.
Ta không la, không đánh. Chỉ gọi nàng lên phòng, mời một ly rượu, rồi nói:
“Ngươi có hai con đường: hoặc cầm tiền đi xa, hoặc nằm lại tầng hầm dưới chân lâu.”
Hồng Loan im lặng. Rồi cúi đầu, rút trâm, để lại trên bàn.
Sáng hôm sau, nàng đi khỏi, không ai tiễn. Nhưng ai cũng hiểu, lâu chủ không phải người dễ tha thứ.
Ta không định làm lâu chủ suốt đời trong bóng tối. Mà phải làm một lâu chủ có tiếng, có danh.
Ta bắt đầu đầu tư ngược, không mua thêm mỹ nữ, mà mở lớp dạy ca hát, dạy đàn, dạy đối đáp. Ai làm tốt được thưởng. Ai có tài riêng, ta cho đi học ở phủ.
Ban đầu ai cũng cười: “Lâu chủ làm như đây là thư viện”.
Nhưng chỉ sáu tháng sau, kỹ nữ của Bách Hoa Lâu trở thành lựa chọn hàng đầu của đám quan văn. Không vì sắc, mà vì giọng, vì thơ, vì tài. Đó mới là thứ giữ chân lâu nhất.
Nhật Hạ
Ta cũng hợp tác ngầm với một tiệm vải lớn, chuyên đặt riêng trang phục biểu diễn cho người của mình. Mỗi lần xuất hiện là mỗi lần gây sốt. Một loại thương hiệu sống.
Bách Hoa Lâu từ từ thoát khỏi danh “lầu xanh bình dân”, trở thành “lầu nghệ thuật kín đáo”. Không ai dám động vào nữa, vì động là động tới cả dây quan khách, thương nhân, văn nhân.
Cuối năm, ta triệu tập lại toàn bộ người trong lâu, từ người lau dọn đến kỹ nữ, từ đầu bếp tới gã gác cổng. Trên bàn là một tờ giấy, ghi mười điều luật sống còn của Bách Hoa Lâu.
Ai đồng ý, ký tên. Ai không, được cho tiền rời đi.
Một thiếu nữ trẻ run rẩy hỏi:
“Nếu vi phạm thì sao?”
Ta đáp thẳng:
“Không ai chết. Nhưng cũng không ai sống tiếp ở đất kinh này.”
Không ai rời đi.
Ta châm hương, đốt giấy, cho khói bay thẳng lên xà gỗ. Rồi nhìn từng gương mặt trong ánh sáng lồng đèn.
“Từ hôm nay, Bách Hoa Lâu không còn là lầu xanh. Mà là mái nhà.”
Ta biết, trận này chỉ là một trong muôn vạn trận sẽ đến. Nhưng ta cũng biết: khi lòng người đã vững, thì quyền lực cũng phải chùn bước.
Ta không cần là một kẻ xuyên không trở thành hoàng hậu hay vương phi. Cũng không cần nam chính nào đó cứu giúp ta, cũng không cần bất kỳ ai thương hại.
Ta là lâu chủ của nơi này, một nơi mà mỹ nữ không bán thân, mà dùng tài. Một nơi mà người yếu được sống, kẻ mạnh phải cúi đầu nếu không đủ khôn.
Một nơi gọi là Bách Hoa Lâu – nơi hoa nở trong bóng tối, nhưng không héo theo thời.