Lầu Xanh Không Đèn Đỏ - Chương 1: Bốn bước leo lên đầu kẻ khác mà sống

Cập nhật lúc: 2025-04-11 12:22:48
Lượt xem: 61

Sau khi tỉnh lại trong thân xác mới, ta mất ba ngày để xác nhận:

Ta thật sự xuyên rồi.

Đây là thế giới không có Internet.

Ta là tiểu kỹ nữ hạng chót, tên Hoa Tiểu Hạ, vừa bị khách đánh gần c.h.ế.t vì lỡ trượt tay đổ rượu.

Ta tỉnh dậy trong một căn phòng gỗ thấp trần, không cửa sổ, ánh sáng lọt qua khe vách gỗ chỉ vừa đủ nhìn thấy đám m.á.u khô thấm trên chiếu rơm. Mùi tanh của máu, mùi nồng nặc của rượu và mùi xú uế của thân thể hòa quyện vào nhau đến nghẹt thở. Ta cử động một ngón tay, đau đến mức rít lên trong cổ họng. Rồi ta cười. Không phải vì thấy nhẹ nhõm, mà bởi sự mỉa mai đến buồn nôn: ta vừa xuyên không, nhưng lại xuyên nhầm vào xác một kỹ nữ bị đánh bầm dập, nằm thoi thóp chờ chết.

Khi ta tỉnh hẳn, một ả mặt chuột bước vào, liếc ta từ đầu đến chân, hừ một tiếng khinh bỉ rồi quát: "Còn sống được là may rồi. Mau dậy mà quỳ ra sân, lâu chủ muốn cho ngươi một bài học."

Và thế là ta, Hoa Tiểu Hạ, kỹ nữ rẻ rúng nhất Bách Hoa Lâu, bắt đầu ba ngày quỳ gối giữa sân thanh lâu.

Ban ngày, ánh nắng như thiêu, đổ xuống đỉnh đầu, nung nấu da thịt từng chút một. Đêm xuống, sương lạnh ngấm vào tận xương, khiến vết thương rách da đau rát như lửa đốt. Ta phải treo bảng gỗ trước ngực: "Không biết hầu khách." Ai đi ngang cũng có quyền chửi, quyền nhổ nước bọt, thậm chí quyền đá ta một cái cho vui.

Có một ông lão bán bánh bao mỗi ngày đều qua. Ngày đầu, ông liếc nhìn ta, không nói gì. Ngày thứ hai, ông ném cho ta một cái bánh nguội cứng như đá. Ngày thứ ba, ông thở dài, lặng lẽ đặt cạnh ta một chiếc khăn tay sạch sẽ.

Ta không khóc. Ta đã từng đối mặt với dư luận tàn độc, từng bị gán tội oan, từng sống sót giữa cơn cuồng nộ của hàng triệu người. Quỳ ba ngày? Với ta, đó chỉ là thời gian để quan sát và lên kế hoạch.

Ta biết mình yếu thế, lại không có nhan sắc, không tài năng gì đặc biệt. Muốn tồn tại, ta phải khiến người khác nhớ tới mình.

Nhật Hạ

Ta bắt đầu lẩm bẩm kể chuyện mỗi khi có người đi ngang. Không phải kiểu kể to rõ mồn một, mà thì thầm đủ để họ tò mò:

"Hắn... ép thiếp bán mình... thiếp không muốn... nhưng mẫu thân bị bệnh nặng..." "Đứa nhỏ trong bụng... là của hắn, hắn vẫn đánh thiếp... m.á.u chảy mãi không ngừng..."

Mỗi ngày ta đổi một câu chuyện, mỗi người nghe một phiên bản. Và khi họ bắt đầu bàn tán, họ sẽ chắp nối chúng thành một bi kịch sống động đến ám ảnh. Ta không cần sự thật, ta cần sự thương hại có chủ đích.

Ba ngày sau, cả khu chợ gần đó đều biết đến kỹ nữ "bị đánh sảy thai, vẫn bị phạt quỳ ngoài sân." Khách đến Bách Hoa Lâu không chỉ để tìm vui, mà còn để nhìn ta, như nhìn một vết thương sống.

Tối hôm đó, lâu chủ, bà Lệ, nhìn ta lâu hơn một chút. Bà không nói gì, chỉ bảo người tháo xích cổ ta ra và cho phép ta trở lại phòng.

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.net.vn/index.php/lau-xanh-khong-den-do/chuong-1-bon-buoc-leo-len-dau-ke-khac-ma-song.html.]

Ta biết: ta vừa vượt qua cửa tử đầu tiên.

Ta xin làm người dọn giặt, khu vực tăm tối nhất trong lâu. Không ai tranh với ta vì mùi hôi, vì chỗ ấy bẩn thỉu, và vì tiền lương rất thấp.

Nhưng chính nơi đó, ta có thể quan sát tất cả. Ai thường gửi đồ lót dính m.á.u – có bệnh. Ai hay đổi khăn lau cổ – hay tiếp khách quan lớn. Ai ném áo xuống giặt lúc nửa đêm – chắc chắn có khách đặc biệt giấu giếm.

Ta ghi lại sổ thu chi, số lượt tiếp khách, ai được thưởng, ai bị trừ. Dần dần, ta phát hiện: Quản sự lâu cấu kết với khách quen, nhận bạc riêng, một vài cô kỹ nữ giả bệnh vẫn nhận chia phần, nhà bếp thường kê khống giá gạo và thịt.

Ta thu thập bằng chứng trong suốt ba tháng. Khi đủ, ta viết một bức thư nặc danh, để trong bát cháo của lâu chủ.

Hôm sau, quản sự nhảy giếng. Bà Lệ gọi ta lên, hỏi: "Ngươi biết chữ?" Ta cúi đầu: "Không nhiều. Nhưng đủ để không bị bán thêm lần nữa."

Từ ngày đó, ta được làm tiểu nhị, phụ trách sổ sách và dọn dẹp phòng riêng của khách quý. Ta không từ chối việc gì từ lau chùi, dọn rác, ghi nợ. Tất cả ta đều làm cẩn thận. Nhưng ta bắt đầu kiểm soát từng đường tiền.

Ta phát hiện bà Lệ mù chữ. Mỗi lần cần ghi tên, bà chỉ ấn ngón tay vào dấu mực. Ta xin được làm thư ký ghi chép cho bà, một công việc mà bà tưởng vô hại.

Ta âm thầm điều chỉnh sổ sách như bớt một phần bạc từ tiền bếp, thêm vào quỹ "phúc lợi", ghi riêng chi tiêu y tế cho các cô nương, tạo thêm một khoản "khoản dự phòng", đứng tên ta.

Ta dùng khoản đó để mua thuốc tốt cho người bệnh nặng, dạy chữ cho ai muốn học, thậm chí cho người vay bạc về quê thăm nhà.

Tiếng thơm của ta bắt đầu lan ra: "Tiểu Hạ có thể giúp", "Gặp Tiểu Hạ thì không bị bòn rút", "Cô ấy không đánh, không mắng."

Và ta bắt đầu "chăm sóc" bà Lệ bằng thứ trà nhân sâm đặc biệt, có pha chút hóa chất đặc biệt với liều lượng ít, khiến bà kiệt sức dần theo năm tháng.

Nửa năm sau, bà Lệ chết. Ta không cần ra tay. Cái c.h.ế.t của bà là tổng hoà của tuổi tác, chất độc, và sự mỏi mệt khi thấy một thế lực khác đang lớn dần mà không thể ngăn cản.

Ta không tổ chức tang lễ linh đình. Ta chỉ bảo các cô nương mặc áo trắng một ngày, rồi tiếp khách như thường. Ta tuyên bố:

"Từ nay, Bách Hoa Lâu sẽ chia lãi theo phần. Làm nhiều hưởng nhiều, nghỉ thì không chia. Có bệnh, có thai, ta lo. Nhưng phản bội ta…thì c.h.ế.t không có chỗ chôn."

Ta cho ký khế ước. Mỗi người được giữ một bản. Ai không muốn tiếp tục, ta trả lại tiền chuộc thân, cho thêm bạc đi đường.

Một số người rời đi. Nhưng nhiều người ở lại. Họ bắt đầu gọi ta là "tiểu lâu chủ."

Loading...