Tôi cất cao giọng, nghiêm túc nói: "Có tiền thì mới lắp được điều hòa. Không thì mùa hè, đứng trong bếp 45 độ, chỉ có thể buộc tóc củ tỏi, mặt mộc, lôi thôi hết sức."
Cả văn phòng im phăng phắc.
Chu Húc Chi từng đi công tác nước ngoài vào mùa hè, trước khi đi còn hỏi nhóm đồng nghiệp có cần mua mỹ phẩm không.
Ai nấy đều gửi danh sách.
Cô gái trẻ kia hỏi: [Giám đốc Chu, anh mua nhiều vậy, còn chị dâu thì sao?]
Chu Húc Chi thản nhiên nhắn lại: [Không cần, cô ấy đâu có trang điểm, toàn để mặt mộc, buộc tóc củ tỏi thôi.]
Cô gái bĩu môi: [Con gái vẫn nên biết chăm chút một chút, không thì trông lôi thôi lắm.]
Chuyện chỉ có vậy, nhưng anh ta chẳng thấy vấn đề gì.
Lúc ăn cơm, anh ta tiện tay đặt điện thoại lên bàn, đúng lúc tôi nhìn thấy đoạn tin nhắn ấy.
Chu Húc Chi vội vàng giải thích: "Chung Dư, em hiểu lầm rồi..."
Tôi cười lạnh: "Không, em không hiểu lầm. Em biết hai người không có gì."
Tôi quay lưng định đi, nhưng nghĩ lại, anh ta muốn làm tôi khó chịu? Được thôi, ai cũng đừng mong yên ổn.
Tôi tiến tới cô gái trẻ kia: "Tiểu Trương phải không? Tối nay về nhà nhớ bảo cha em nấu một nồi trà gừng đường đỏ, sáng mai mang đến cho mấy cô đồng nghiệp đang tới kỳ kinh nguyệt. Nhớ hỏi mẹ em xem bà có đồng ý không, rồi xem thử đồng nghiệp của cha em có chịu uống không?"
Tôi quay sang chị lớn: "Chị à, về bảo chồng chị làm thử đi, dù sao văn hóa doanh nghiệp của công ty mấy người cũng độc lạ lắm mà."
Bọn họ nhìn nhau, không ai nói nổi câu nào.
Tôi cười sảng khoái.
Chu Húc Chi chạy theo tôi xuống lầu.
"Chung Dư, anh với cô ta thực sự không có gì."
Hiếm thật, lần đầu tiên thấy anh ta sốt sắng giải thích như vậy.
Tôi hỏi: "Anh biết lúc đến đây, tôi nhìn thấy ai không?"
Cha của Chu Húc Chi, chống chọi cơn gió rét, đẩy cái thùng sắt nặng trịch, bên trong là dụng cụ của đội văn nghệ người cao tuổi.
Sau lưng ông là một nhóm bà cụ, ai nấy quấn khăn lụa rực rỡ.
Chu Húc Chi hiểu ý tôi.
Cha anh ta, một người đàn ông ở nhà đến dầu ăn đổ cũng chẳng buồn đỡ.
Cha nào, con nấy.
Họ không phải không biết cách tôn trọng người khác.
Họ chỉ đơn giản coi thường vợ mình.
Mà đến chính Chu Húc Chi cũng không nhận ra, sau khi ly hôn, tôi bỗng trở nên quan trọng với anh ta.
Anh ta nhìn tôi, bối rối: "Chung Dư, sao em lại trở thành như vậy?"
Tôi hất mái tóc dài vừa uốn: "Lạ lắm à?"
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.net.vn/index.php/khong-co-thuoc-hoi-han/7.html.]
Đúng vậy, rốt cuộc là điều gì đã biến tôi từ một cô gái mong manh thành người kiên cường thế này?
Tôi nhếch môi: "Chu Húc Chi, kể cả đã ly hôn, tôi cũng không ngờ anh lại ghê tởm đến mức này."
Hết lần này đến lần khác, từ công ty của tôi đến công ty của anh ta.
Anh ta dám làm vậy, vì biết tôi chẳng có ai để dựa vào, nên không cần chừa đường lui cho tôi.
9
Điện thoại reo lên, mẹ tôi gào ầm bên kia đầu dây: "Chung Dư! Con không nghe máy nữa là mẹ sẽ đến công ty tìm con đấy!"
Đây là lần thứ bảy mẹ tôi gọi đến.
Bà nói đã đặt nhà hàng cho cả nhà ăn tối vào chủ nhật.
Tôi đồng ý: "Được thôi, mẹ cứ gửi địa chỉ, con đến thẳng đó."
Cúp máy, tôi nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, thẫn thờ một lúc lâu.
Tôi vốn mong bà biết điểm dừng, nhưng xem ra, có những chuyện không xé rách mặt thì không thể tránh né được.
Lúc tôi đến nơi, mọi người đã ngồi đông đủ.
Cha mẹ, chị gái và anh rể bế theo con, em trai cùng một cô gái lạ mặt, chắc là bạn gái nó.
Trên bàn đã có vài món ăn, chính giữa là một đĩa sủi cảo to tướng.
Chị tôi cười tươi: "Bé hai, em thích ăn sủi cảo mà? Xem kìa, mẹ thương em nhất đấy!"
Tôi nhìn chị ta một cái, không đáp.
Chị tôi vẫn cười nói: "Nghe bảo lần này ly hôn em được chia hơn 400.000 tệ hả? Bé hai, số em đúng là tốt thật đấy!"
"Em cưới bao năm, chẳng có con cái gì, ly hôn lại vớ bẫm. Đâu như chị, kéo cả gia đình theo, muốn bỏ cũng không nỡ vì con."
Anh rể cắt ngang: "Em bớt nói linh tinh đi."
Mẹ tôi kéo tôi ngồi xuống: "Bé hai, con ăn đi!"
Tôi vịn ghế, không nhúc nhích: "Cơm thì con không ăn, sủi cảo cứ để chị con ăn. Giờ nói thẳng rồi con đi."
"Con không có tiền, đừng mong gì ở con cả."
Mẹ tôi quýnh lên, kéo tôi lại không cho đi.
"Bé hai, sao con tuyệt tình thế? Tiền con giữ cũng chẳng để làm gì, em con sắp cưới, đang cần dùng đây. Người một nhà mà rạch ròi như thế, không có chút tình nghĩa nào sao?"
Em trai tôi lên tiếng hùa theo: "Chị hai, bao năm nay chị chưa từng lo cho nhà mình. Không nói gì khác, ít nhất chị cũng phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ chứ?"
Tôi bật cười lạnh lùng: "Thế thì để cha mẹ đi kiện tôi xem tòa có xử không?"
"Cha, mẹ, hai người nói xem?"
Sắc mặt cha mẹ tôi lập tức thay đổi.
Tôi nhếch môi: "Nói thẳng nhé, lần trước mẹ cố tình làm sủi cảo, chính là để nhắc tôi nhớ. Nhưng không cần đâu, tôi nhớ rất rõ."
Cha tôi ngăn tôi lại: "Bé hai, chuyện cũ bỏ qua đi con."