Thế mà giữa đường lại nghe tin thuyền bị rò nước.
Người chèo thuyền bò được lên bờ, nhưng tìm mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng phụ thân ta đâu cả.
Đầu óc ta bỗng chốc trống rỗng.
Bên bờ Vĩnh Định Hà, lời của Tạ tiên sinh khi xưa lại vang vọng bên tai ta——
“Ta đã bao giờ nói dối?”
Chưa từng.
Ông chưa từng nói dối.
Lời bói kia... hóa ra là thật.
Con gái đích tôn nhà họ Tề, mệnh vướng thủy kiếp, là tướng sát, không phải điềm lành.
Về sau dễ chiêu vạ vào thân, họa hại cả nhà.
Ta đến Thái y viện.
Tìm vị thái y từng khám bệnh cho ta.
Bảo ông ta đến trước mặt Tạ Ngọc Hằng, nói rõ mọi chuyện.
Rằng chứng không thể thụ thai của ta là do vết thương cũ tái phát, chứ chẳng liên quan gì đến chuyến đi Giang Đông.
Sau đó, mọi tội lỗi đều là của ta, chẳng còn liên can gì đến Thái y viện nữa.
Nhưng thái y nghe vậy lại không lập tức theo ta diện thánh, mà lật ra một quyển sổ khám bệnh, đưa cho ta: “Nương nương cứ xem sẽ rõ.”
Trên đó là ghi chép chi tiết về mỗi lần bắt mạch cho ta: giờ giấc, nguyên nhân, thuốc dùng, không sót thứ gì.
Chuyện này thì không lạ, xưa nay Thái y viện vẫn vậy.
Nhưng điều bất thường là trong đó đã ghi nhận chứng không thể thụ thai của ta từ rất sớm.
Lại còn là do trong một lần khám định kỳ mà phát hiện ra.
Chuyện này vốn chẳng dính líu gì đến vụ ngã xuống sông ở Giang Đông.
Chỉ là trước nay vị thái y kia vẫn luôn giấu ta, chưa từng nói ra mà thôi.
Ta hỏi ông ta: “Hoàng thượng... đã sớm biết rồi đúng không?”
“Vâng, hoàng thượng đã biết từ lâu. Người còn dặn vi thần, phải đợi thời cơ thích hợp mới được nói ra.”
Ta không nói thêm gì, chỉ ôm quyển sổ ấy đi tìm Tạ Ngọc Hằng.
Sau khi gặp, ta không giấu diếm gì, đem hết thảy đầu đuôi chuyện ta toan tính lừa gạt người, kể ra không sót một chữ.
“Ngươi tính toán giỏi thật.”
Tạ Ngọc Hằng đập vỡ đèn ngọc trên án thư, ánh sáng trong điện bị giận dữ chẻ đôi, nửa sáng nửa tối, càng khiến sắc mặt người thêm u ám, lạnh lẽo.
Là thất vọng.
Là vì lúc người dốc lòng che chở cho ta, thì ta lại đang âm thầm toan tính một màn dối trá.
Cơn giận lần này không phải dọa nạt qua loa, cũng chẳng phải chuyện có thể dỗ dành là xong.
Nhưng ta không cầu xin.
Ta chỉ hỏi người: “Hoàng thượng, người cũng thấy ta bây giờ bụng dạ chất đầy toan tính, không còn đơn thuần rạng rỡ như thuở xưa nữa phải không?”
Tạ Ngọc Hằng hơi chau mày.
Ta lại nói tiếp: “Nhưng dù có làm lại một lần, e là ta vẫn sẽ chọn như vậy.”
Người nay là quân, ta là thần, đã không còn như lời ước thiếu thời bên cánh diều giấy năm nào nữa.
Xưa kia mỗi lần cãi nhau, ta còn có thể níu tay áo người, vừa đi theo sau vừa năn nỉ: “Thất lang, sao chàng không để ý đến thiếp nữa?”
Nhưng khi người đã làm vua, vì chuyện mệnh sát mà phải tạm thời xa cách ta, thì ta chẳng thể chạy đến làm nũng như xưa nữa. Chỉ có thể ở lại điện Quý phi, hoặc chờ bên ngoài ngự thư phòng, thấp thỏm đoán từng tâm tư người, từng động niệm trong lòng người.
“Thanh Vu…”
Người thấy ta nói hơi nhiều, định cắt ngang. Nhưng vừa cất tiếng, giọng nói như chạm phải than hồng, bỗng co rút lại, chẳng còn chút khí lực.
Ta dịu giọng, hỏi: “Hôm nay hoàng thượng có thể tha thứ cho ta không? Nhưng một khi đã bước bước đầu tiên, e rằng về sau càng đi, sẽ càng lạc lối.”
Người là đấng quân vương, một ngày nào đó chắc chắn sẽ có hậu cung đầy hoa, người người tranh sủng.
Chỉ sợ đến lúc ấy, ta sẽ vì ghen tuông mà hoảng loạn, vì sợ hãi mà đau khổ.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.net.vn/do-thuy-ngam/chuong-06.html.]
Tạ Ngọc Hằng chợt hiểu ra.
Ta đang nhắc đến chuyện quy định tuẫn táng trong cung.
Người thở dài: “Đã là luật, lập ra được thì cũng bỏ đi được.”
Một tiếng “xin lỗi” trượt khỏi môi ta.
Nhưng ngay khoảnh khắc lời rơi xuống, lại có thứ gì đó nhói lên trong tim ta.
Vì sao vậy?
Vì sao người không thể mang thai là ta, người mang tiếc nuối cả đời cũng là ta, mà ta lại phải không ngừng xin lỗi nhà chồng, hết lần này đến lần khác?
Những lời này, khi ta hỏi Tạ Ngọc Hằng, người thoáng sững sờ.
Rất lâu sau, mới nhớ ra đưa tay lau nước mắt cho ta.
Tạ Ngọc Hằng thả ta đi.
Sau khi ra khỏi cung, tình cờ nghe thấy có người thở dài than thở: “Năm xưa phủ Tề vinh hiển nhường ấy, ai ngờ nay tướng gia cáo quan, quý phi mất sớm, kết cục lại sạch trơn như thế.”
Ta ẩn mình trong đám người, lặng lẽ nghe hết, rồi cũng lặng lẽ rời đi.
Ta còn việc cần làm.
Trước hôm rời cung, cung nữ hầu hạ bên cạnh ta dè dặt hỏi, liệu ta có thể thay nàng đến thăm mẫu thân goá bụa một chút không.
Dạo trước nàng gửi thư về nhà mãi chưa thấy hồi âm, nên lo lắng lắm.
Ta nhận lời.
Nhưng vẫn chậm một bước.
Lúc đến nơi thì đúng lúc hàng xóm láng giềng đang lo hậu sự cho bà cụ.
Là bị bệnh, có lẽ bệnh nặng đột ngột, chẳng trụ nổi mấy ngày đã qua đời.
Chết mà mắt vẫn mở, có lẽ là vì không gặp được con gái lần cuối, nên vừa luyến tiếc vừa không cam lòng.
Làm một lễ cầu siêu, coi như tiễn bà một đoạn đường cũng tốt.
Ta nhờ người liên hệ, ai ngờ loanh quanh một hồi, người ta mời đến lại là Tạ tiên sinh.
Vừa thấy ta, ông đã xụ mặt xuống: “Sao lại là cô nữa?”
“Ngài không chịu làm việc cho Quý phi, thế việc nhà họ Tề, ngài có nhận không?”
“Miễn cưỡng thì nhận,” Tạ tiên sinh nhăn nhó càu nhàu, “ta cứ tưởng làm cho Tề tướng gia là mạo hiểm lắm rồi, ai dè bên ngoài còn lắm lang sói hơn, có kẻ làm quan to, chỉ vì ta bói ra quẻ hung mà nổi giận đòi c.h.é.m ta tại chỗ, còn hét lên phải tố cáo lên thánh thượng, đòi bắt hết thuật sĩ trong thiên hạ xử tử. Cô nói xem, đời này là cái gì vậy chứ?”
“Đáng sợ thật.”
“Đúng không? Mà cô vừa nói muốn ta làm việc cho nhà họ Tề, vậy nhà họ Tề giờ còn ai?”
“Còn ta.” Ta chỉ vào n.g.ự.c mình, “Giờ chỉ còn một mình tiểu thư nhà họ Tề thôi.”
“…Được rồi.” Tạ tiên sinh miễn cưỡng gật đầu.
Cũng chỉ là một lễ cầu siêu bình thường, chẳng đáng bao nhiêu tiền.
Ta nghĩ đã đến rồi, thôi thì tiện thể đưa ông thêm một lá bát tự, nhờ ông xem giúp.
Chỉ là... không nói là của ai.
Tạ tiên sinh cầm lấy thiếp sinh thần, liếc qua mấy mắt liền nói: “Cô nương, cô đang thử ta à? Đây chẳng phải bát tự của cô sao, trước đây ta xem rồi mà…”
Chưa dứt lời, ông chợt sững lại.
Lại lẩm bẩm: “Không giống, sai hai chỗ... Cô nương, muốn xem lại lần nữa, thì phải đưa cái thật cho ta.”
“Đây mới là thật.”
Ta mặt không đổi sắc, giọng điệu cứng rắn.
Ông hơi biến sắc: “Cô nương, hai lá bát tự trước sau... không giống nhau.”
Rồi kinh hãi kêu lên: “Sai rồi. Sai hoàn toàn rồi.”
Ta sững người nhìn ông, đầu óc xoay nhanh một vòng——
Thì cũng hiểu ra rồi.
Phụ thân đưa cho ta bát tự giả, lừa là bát tự thật.
Dù thầy bói có luận chuẩn tới đâu, cũng thành vô nghĩa.
Tạ tiên sinh như chợt tỉnh ngộ: “Tề tướng gia đúng là già đời lọc lõi, gạt ta hết lần này đến lần khác.”