Quản gia Ngô bị cô ta trêu chọc, chỉ có thể cúi đầu im lặng, nhưng ánh mắt nhìn tôi không giấu được sự ghen tị.
Giang Đình Nhu thấy tất cả, nhưng không nói gì, chỉ nhếch môi đầy hứng thú.
Cô ta thích cảm giác này.
Chúng tôi – những kẻ hầu hạ cô ta – đều chỉ là những con kiến nhỏ bé dưới chân.
Còn cô ta, là đứa trẻ rảnh rỗi ngồi dưới tán cây, thích thú nhìn lũ kiến tranh đấu với nhau.
Cầm lấy phần bánh và gà rán, Giang Đình Nhu chuẩn bị về phòng, lười biếng ra lệnh:
“Sắp xếp cho cô ta một căn phòng, lương thế nào thì tùy chị quyết định.”
Quản gia Ngô nén giận, đáp gọn:
“Vâng.”
Rồi quay sang tôi nói:
“Đi theo tôi.”
Những người hầu khác đứng nhìn theo, ánh mắt đầy vẻ thích thú như đang chờ xem kịch hay.
Tôi tuy đã được tuyển, nhưng vừa mới đến đã đắc tội với Ngô Mạn vị quản gia lâu năm của nhà họ Giang. Những ngày sau này, e rằng sẽ chẳng dễ chịu gì.
Tiếng bước chân nhẹ nhàng vang lên trong hành lang vắng lặng.
Tôi đi theo Ngô Mạn, đến căn phòng nằm sâu nhất trong dãy.
Cửa vừa mở ra, một mùi ẩm mốc lập tức xộc thẳng vào mũi.
“Cô sẽ ở lại đây.” – Giọng bà ta lạnh nhạt.
Đây là một căn phòng nhỏ được cải tạo từ nhà kho. Bình thường, sẽ chẳng có người hầu nào được xếp vào đây.
Nhưng tôi vừa đến đã chọc giận Ngô Mạn, bị bà ta đày vào chỗ này cũng chẳng có gì lạ.
“Căn phòng này tuy vừa chật vừa bẩn. Nhưng nó có một điểm rất thú vị.”
Giọng Ngô Mạn thấp xuống.
Bà ta cầm một chiếc gương nhỏ, đi đến bên cửa sổ, nghiêng gương theo một góc độ kỳ lạ.
Hình ảnh phản chiếu trong gương là… Giang Đình Nhu đang thư thả thưởng thức chiếc bánh chocolate lava của tôi.
“Biệt thự nhà họ Giang thực chất là hai căn liền kề được cải tạo thành một. Đây là góc duy nhất có thể quan sát trực tiếp phòng ngủ của cô ta.”
Ngô Mạn khẽ giọng nói.
Bà ta nhìn thẳng vào tôi.
“Tô Thanh Dư, đừng làm tôi thất vọng.”
Giang Đình Nhu sẽ không bao giờ biết rằng, tôi và Ngô Mạn không chỉ là đồng hương.
Mười mấy năm trước, chúng tôi còn là bạn cùng lớp tiểu học.
Hồi đó, tôi chẳng có chút gì để được gọi là "hiện đại" hay "sành điệu".
Tóc tôi bị cạo sát da đầu như con trai, làn da vàng vọt, trông cứ như bị trét bùn. Đến tận hơn mười tuổi, tôi còn chưa từng dùng băng vệ sinh.
Ngô Mạn thậm chí còn thê thảm hơn tôi.
Cô ấy lớn hơn tôi hai tuổi, cha ruột và mẹ kế định bán cô cho một lão già độc thân trong làng bên. Cô không chịu, kết quả bị đánh đến suýt nữa mất mạng. Khuôn mặt sưng vù như đầu heo, đến mức không còn nhận ra nổi ngũ quan.
Chúng tôi là đối thủ không đội trời chung.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.net.vn/chi-ay-da-mat-nhung-con-chung-toi/chuong-2.html.]
Vì hơn nhau một, hai điểm trong bài kiểm tra, cả hai thường xuyên thức trắng đêm học bài. Chúng tôi là hai học sinh giỏi nhất lớp.
Nhưng giỏi có ích gì?
Năm đó, cả hai đều bị gia đình gọi về.
Bởi vì nghèo.
Không có tiền để tiếp tục đi học.
Theo lẽ thường, số phận của tôi là ở nhà làm ruộng, chăm sóc em trai.
Còn số phận của Ngô Mạn, là bị cha cô trói lại rồi bán cho lão già độc thân kia.
Nhưng, chúng tôi đã gặp chị ấy.
Chị ấy tên Nhạc Nguyệt.
Năm đó, chị chỉ mới mười tám tuổi, là giáo viên trẻ nhất trong đoàn giáo viên tình nguyện.
Các thầy cô khác từng nói với chị:
“Cứ dạy xong để lấy điểm tình nguyện rồi đi thôi. Nơi này nghèo quá, không phải chuyện chúng ta có thể thay đổi được.”
Nhưng chị đáp:
“Cứu được một người, cũng đáng rồi.”
Chị ấy đến nhà tôi, thuyết phục bố mẹ cho tôi tiếp tục đi học.
Ngô Mạn thì khó khăn hơn nhiều.
Chị gọi điện cho các cơ quan chức năng, liên hệ với phóng viên để đưa tin, vừa ép buộc vừa thuyết phục.
Một cô gái mới mười tám tuổi, chẳng sợ trời, chẳng sợ đất. Tôi không biết chị đã làm thế nào, nhưng cuối cùng, chúng tôi thực sự được quay lại trường học.
Chị dạy chúng tôi toán, dạy chúng tôi tiếng Anh.
Chị dốc hết sức để dạy, còn chúng tôi dốc hết sức để học.
Ngày kết thúc chương trình tình nguyện, chị để lại toàn bộ số tiền trong túi, bảo chúng tôi dùng để mua sách vở.
Thực ra, chị cũng nghèo lắm.
Nghe nói, chị vào đại học nhờ học bổng và vay tiền sinh viên.
Nhưng dù vậy, chị vẫn gom góp từng chút một, để lại tất cả cho chúng tôi.
Chị nói:
“Các em cần nó hơn chị.”
Ngày chị rời đi, chị gọi chúng tôi ra sân thể dục cũ kỹ.
Trên nền xi măng nứt nẻ, dưới bầu trời đầy sao rực rỡ chị bảo mỗi đứa hãy nói ra ước mơ của mình.
Ngô Mạn nói cô ấy muốn trở thành giám đốc của một tập đoàn lớn.
Tôi nói tôi muốn trở thành hoa hậu.
Còn đứa nhỏ nhất lớp, một cô bé mít ướt, ôm chặt chị không buông, nước mắt nước mũi quệt đầy lên áo chị, lí nhí nói:
“Em muốn làm nhà thiết kế thời trang.”
Chị cũng khóc.
Chị xoa đầu cô bé mít ướt, dịu dàng nói:
“Các em phải luôn ghi nhớ ước mơ của mình.”