Ông đá tôi ngã ra đất, đau quặn bụng, vết giày in hằn trên người.
"Đồ con gái vô dụng! Cái gì cũng muốn! Ham ăn! Vô liêm sỉ!"
Dù trời đẹp, tôi lại thấy rất lạnh.
Bà cụ vội đỡ tôi dậy:
"Một cây kem thôi mà, không cần làm vậy đâu. Bà tặng cho con."
Bà dúi cây kem đầy ú vào tay tôi.
Nhưng chưa kịp cắn, nó đã bị bố hất xuống đất.
"Ăn cái rắm!"
Những người đi ngang qua hành lang chỉ trỏ, bàn tán:
“Nhìn giày của nó kìa, rách nát như vậy, thật mất mặt.”
“Tôi nghe nói nhà nó không nghèo đâu mà, trước đây còn được đền bù giải tỏa, nhận mấy căn nhà ấy chứ! Sao ăn mặc tồi tàn như thế này? Không lẽ có sở thích kỳ quặc gì?”
“Haha, cũng không chừng đâu!”
Tôi chạy lên sân thượng, cúi đầu nhìn đôi giày của mình.
Nhà tôi thực sự không còn nghèo nữa. Năm tôi học lớp 8, nhà được giải tỏa, được đền bù rất nhiều tiền, còn có vài căn nhà nữa.
Chỉ sau một đêm, gia đình tôi trở nên giàu có.
Ngày hôm đó, bố mẹ đem tên của bố và em trai viết vào toàn bộ sổ đỏ của mấy căn nhà.
Sau đó họ lấy một khoản tiền gửi tiết kiệm, hồ hởi nói:
“Số tiền này để dành cho Bằng Bằng nhà mình đi du học đại học sau này. Dạo này người ta toàn cho con đi học nước ngoài cả đấy!”
Tôi ngồi trong phòng mình, cẩn thận bước ra hỏi:
“Bố mẹ ơi, trường bảo đặt mua đồng phục mùa đông…”
Bố tôi nổi giận đùng đùng, cầm dép lôi tôi ra khỏi phòng đánh tới tấp, vừa đánh vừa chửi:
“Đồ con gái vô dụng! Chỉ biết tiêu tiền! Trong nhà làm gì có tiền cho mày dùng!”
“Nghe nói có tiền liền đòi mua cái này cái kia, mày cố tình phải không? Để tao đánh c.h.ế.t mày luôn!”
“Không phải ạ, là cô giáo nói…”
“Còn dám cãi hả? Giỏi lắm rồi, lớn rồi phải không, mọc cánh rồi!”
Mỗi lời giải thích của tôi chỉ đổi lại những trận đòn tàn nhẫn hơn.
Tôi nhìn xuống phía dưới sân thượng, cơ thể run rẩy.
Tôi sợ độ cao, nhưng khoảnh khắc đó tôi lại nghĩ — nếu tôi c.h.ế.t đi, liệu họ có buồn không?
Liệu họ có khóc lóc đau đớn như trên tivi, khi mất đứa con yêu quý?
“Không đâu.”
Một giọng nói vang lên trong đầu tôi.
Khoảnh khắc đó, tôi không phân biệt nổi — đó là giọng nói của chính mình hay ai khác.
Tôi đứng lặng, tự giễu bản thân, một lúc lâu sau cơ thể tôi rũ xuống, trượt dần theo bức tường.
Phải rồi, họ sẽ không buồn đâu...
“Tĩnh Tĩnh!”
Tôi quay đầu, thấy cô chủ nhiệm đang ở cửa, tôi sững lại.
Cô thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa trên trán, lòng bàn tay trắng bệch dính đầy gỉ sắt.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn - https://monkeyd.net.vn/bo-me-hoi-han-vi-sinh-toi-lai-muon-toi-bao-hieu-khi-ve-gia/2.html.]
Cô ôm chầm lấy tôi, kiểm tra khắp người:
“Em không sao chứ!”
Tôi ngẩn ngơ:
“Cô Lý…”
Thấy tôi không sao, cô nhẹ nhõm ngồi xuống, như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng:
“Không sao là tốt rồi, tốt quá rồi.”
Một lúc sau, cô nắm lấy tay tôi:
“Tiền quỹ lớp mười đồng cô đã nộp giúp em rồi, cứ nói là phụ huynh đưa đến, đừng lo gì cả.”
Tôi nhìn cô giáo trước mặt, không kìm được nước mắt, cứ thế tuôn rơi.
Tôi không muốn để cô thấy tôi thảm hại như vậy, vội vàng lau nước mắt.
Tay áo đã ướt sũng.
Đột nhiên, cô ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng vỗ lưng:
“Đừng khóc nữa, ngoan…”
Nhưng tôi lại càng khóc to hơn.
—
Cô Lý là giáo viên mới chuyển đến học kỳ này.
Vì còn trẻ, nhiều học sinh không nể cô, thậm chí còn đặt biệt danh lén gọi cô là "Lý chân què".
Vì chân cô đi hơi tập tễnh.
Tôi cúi đầu nhìn bàn tay cô — lòng bàn tay dính đầy gỉ sắt, trán thì ướt đẫm mồ hôi.
Tôi không biết cô đã làm thế nào mà bò từ tầng một lên tận tầng bảy.
Trong phòng giáo viên, cô nhẹ nhàng mở bàn tay tôi ra — bên trong toàn là vết xước hình lưỡi liềm.
Là tôi tự cào lấy khi nãy sao? Tôi chẳng còn nhớ rõ nữa.
Cô cẩn thận khử trùng các vết thương, rồi băng bó lại bằng băng gạc sạch.
“Em có hận họ không?” – cô hỏi nhỏ.
Tôi hoang mang. Tôi có nên hận họ không?
Từ lúc sinh ra, bố mẹ đã bắt tôi phải biết ơn họ:
“Không sinh mày ra thì đời tao đâu khổ thế này! Mày ăn, mày uống, cái gì chả tốn tiền?”
“Mua cái này cái kia, tiêu hoài tiêu mãi! Mày như cái hố không đáy! Đúng là kiếp trước tao nợ mày!”
“Con gái thì ăn gì? Muốn ăn cao lương mỹ vị chắc? Có giỏi thì ra ngoài tìm bố mẹ giàu mà ăn! Tao với bố mày còn hiền đấy, chứ không thì đã ném mày ra đường, chó hoang ăn sạch rồi!”
Từ khi em trai ra đời, họ càng bắt tôi phải biết ơn vì sự "bố thí" đó.
“Chúng tao nuôi mày lớn thế này, không thiếu mày bữa nào, nhưng đồ ngon phải để cho em mày! Nó xứng đáng hơn!”
“Nếu không có mày, nhà này đã tiết kiệm được khối tiền cho em mày! Mày phải chăm nó là điều đương nhiên!”
“Chu Tĩnh Tĩnh, lương tâm mày chó gặm rồi à? Em mày ngã trầy đầu gối, là do mày không trông nó! Đồ sao chổi! Đồ vô dụng!”
Tôi biết sự tồn tại của mình là gánh nặng đối với họ, nên tôi luôn cố hết sức để giảm nhẹ gánh nặng đó.
Các bạn nhỏ có đồ ngon, dù tôi thèm đến mấy cũng không dám xin.
Những thứ tôi mua đều là đồ bắt buộc của trường. Quần áo, giày dép tôi đã mặc suốt 5–6 năm, đế giày mòn vẹt, quần áo thì ngắn cũn.